Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sơn La: Từng bước chuyển phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng tập trung

Thứ Hai, 26/12/2022 18:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới, để phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, địa phương sẽ từng bước chuyển dần phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao.

  Để phát triển ngành chăn nuôi, trong thời gian tới, Sơn La sẽ từng bước chuyển dần phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học (Ảnh minh họa: B.T)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có 116.257 con trâu; sản lượng trâu xuất chuồng ước tính đạt 4.716 tấn, tăng 50 tấn (1,07%) do nhu cầu tiêu dùng tăng. Đàn bò gồm có 377.227 con (trong đó có 27.463 con bò sữa) tăng 1,82% (tăng 6.742 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5.909 tấn, tăng 3% (172 tấn).

Bên cạnh đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 90.807 tấn, tăng nhẹ 0,66%. Đàn lợn gồm 615.746 con, tăng 1,53% (tăng 9.295 con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng 48.577 tấn, tăng 7,44% (3.363 tấn). Đàn gia cầm ước đạt 7.683 nghìn con, tăng 3,52% (tăng 261 nghìn con). Ước tính sản lượng thịt gia cầm đạt 13.594 tấn, tăng 7,48% (946 tấn). Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 82.220 nghìn quả, tăng 2,05% (1.649 nghìn quả).

Đáng chú ý, chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với hộ dân trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng và phát triển. Cụ thể, Sơn La đã duy trì 4 chuỗi thịt lợn quy mô 36.750 con, sản lượng 4.663 tấn/năm; 1 chuỗi thịt gà an toàn quy mô 6.000 con, sản lượng 9 tấn/năm; 5 chuỗi mật ong an toàn với số lượng 3.990 đàn ong, sản lượng 364 tấn/năm,…

Trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh. Hiện có 26 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Trong năm 2022, đã thẩm định, cấp và cấp lại giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 11 cơ sở chăn nuôi an toàn với bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm, Niu – cát – xơn,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ cao. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc giám sát dịch bệnh ở một số cơ sở chưa được chặt chẽ, chậm phát hiện và thông tin báo cáo dịch chưa kịp thời.

Đồng thời, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Việc tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các bản, xã còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, các hộ chăn nuôi chủ yếu vẫn thả rông. Năng lực của một số ít cán bộ làm công tác thú y còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới, để phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, địa phương sẽ từng bước chuyển dần phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao. Chăn nuôi nông hộ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó chú trọng triển khai lai tạo, cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Chỉ đạo, vận động người dân chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô và một số loại cây trồng khác phục vụ chăn nuôi. Tận dụng phế phụ phẩm ngành trồng trọt để phát triển chăn nuôi loài gia súc ăn cỏ; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho hộ chăn nuôi cách chế biến, bảo quản dự trữ thức ăn cho gia súc như: kỹ thuật phối trộn thức ăn công nghiệp, ủ chua, phơi khô thức ăn... Kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.

Mặt khác, tập trung vào các nông sản chủ lực của tỉnh nhằm tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp. Tăng cường triển khai các mô hình chăn nuôi theo quy trình GAHP để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết chuỗi sản xuất. Phát triển chăn nuôi những con đặc sản tạo nên sự khác biệt gắn với chuỗi ẩm thực của tỉnh và phát triển du lịch.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tín dụng phục vụ chăn nuôi; công khai minh bạch thủ tục vay vốn, lãi suất cho vay và các loại phí liên quan; tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên nguồn vốn vay cho các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; chủ động nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay.

Cân đối, bố trí vốn cho đề án lĩnh vực chăn nuôi trên cơ sở các dự án hoặc phương án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Kêu gọi thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Hướng dẫn thủ tục đầu tư và thẩm định các dự án đầu tư chăn nuôi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các chương trình, dự án đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, tăng cương công tác đào tạo nguồn nhân lực, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hoàn thiện mạng lưới thú y cơ sở bảo đảm mỗi xã có một nhân viên thú y. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật cấp xã an toàn với bệnh lở mồm long móng gia súc, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu sữa,…/.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN