Sơn La: Nhân rộng những mô hình hay về phát triển kinh tế rừng
Tại tỉnh Sơn La hiện có hàng trăm mô hình hộ dân và cộng đồng bản địa tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phát triển kinh tế rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình này cần có những chính sách cụ thể để nhân rộng, từ đó nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích.
Cây sa nhân được trồng xen kẽ và là cây thuốc quý. (Nguồn: vov.vn)
Gia đình ông Lường Văn E, dân tộc Thái ở bản Bó Lạ, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đang triển khai mô hình trồng rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ. Với 8 ha rừng trồng từ năm 1992, đến nay đồi rừng của gia đình ông E đã đem lại thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm. Gia đình ông còn tận dụng cành khô làm củi cho sinh hoạt hàng ngày. Từ mô hình này, ở bản Bó Lạ đã có thêm nhiều hộ trồng rừng kinh tế.
Gia đình ông Bùi Văn Thiệp, ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, có 3 ha đất trồng chè, cà phê, mận hậu, đào. Đặc biệt, ông Thiệp đã trồng 1 ha cây sa nhân xen với cây cà phê. Chỉ tính sản phẩm sa nhân đã đạt 1,2 tấn/ha. Ông Thiệp cho biết: Cứ 5-6 kg quả sa nhân tươi thu được 1 kg quả khô, với giá bán hiện nay dao động từ 500.000 đồng đến 650.000 đồng/kg, thu nhập từ tiền bán quả sa nhân đạt 120 - 200 triệu đồng/ha/năm. Qua tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hộ nơi đây biết sa nhân là cây thuốc quý cho dược liệu trong nước và xuất khẩu. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, một số hộ đã lấy giống từ Sa Pa về trồng thử nghiệm. Chỉ sau 2 - 3 năm, sa nhân bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu, diện tích trồng được mở rộng tới đó. Nếu chăm sóc tốt, mỗi gốc sa nhân có thể thu hoạch trong thời gian 10 đến 12 năm. Đến nay, tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu đã có trên 100 ha cây sa nhân được trồng tập trung tại các bản Mô Cổng, Nặm Giắt, Phiêng Luông. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, huyện Thuận Châu đã ký hợp đồng với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) để bao tiêu sản phẩm sa nhân cho bà con. Cũng tại xã Phổng Lái, một số hộ nông dân đã trồng thử nghiệm gần 7 ha cây mắc ca để làm bóng mát cho vườn cà phê. Hai loại cây này đều phát triển tốt và có khả năng tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất trồng.
Từ năm 2003 đến nay, đồng bào Mông ở bản vùng cao Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, đã khoanh nuôi trên 200 ha rừng cây Sơn Tra tự nhiên (cây táo mèo) kết hợp với rừng phòng hộ đầu nguồn đã cho thu nhập 180 - 250 triệu đồng/ha/năm từ việc bán quả. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây Sơn Tra, huyện Mường La đã có dự án mở rộng, phát triển diện tích cây Sơn Tra lên 1.500 ha vào năm 2016, nhằm nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào vùng cao, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây chè theo công nghệ Israel của Công ty trà Thu Đan ở xã Phổng Lái (huyện Thuận Châu) lần đầu tiên áp dụng tại địa phương từ tháng 10/2014 với diện tích gần 7 ha . Theo báo cáo của công ty, mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đã tiết kiệm từ 30-50% nước tưới, giảm chi phí đầu tư phân bón từ 10-12%, giảm chi phí nhân công từ 10 -15%, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trong từng giai đoạn, góp phần bảo vệ đất, nguồn nước, bước đầu cho hiệu quả về kinh tế.
Tỉnh Sơn La áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt vào quy trình sản xuất tại 6 hộ trồng cà phê ở xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn), cho chất lượng quả tốt, hương vị đặc biệt tương đương với các vùng cà phê nổi tiếng thế giới. Chiềng Ban là xã có 1.200 ha cà phê nhưng năng suất mới chỉ đạt 12 - 15 tấn quả tươi/ha/năm. Nếu áp dụng được công nghệ tưới nhỏ giọt, cây sẽ phát triển tốt về năng suất, sản lượng, chống được sương muối và bệnh vàng lá, tăng giá trị xuất khẩu cà phê Arabica, từ đó khẳng định được thương hiệu cà phê Arabica hữu cơ Sơn La trên thị trường trong nước./.
Điêu Chính Tới/TTXVN