Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sơn La đổi thay sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 10/05/2016 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Là tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, bởi vậy tam nông ở Sơn La cũng có những đặc trưng riêng. Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia tích cực của người dân đã mang đến cho nông thôn khu vực miền núi những đổi thay tích cực.

Một góc thành phố Sơn La - Ảnh: HM

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Với đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Sơn La đã xác định công tác tuyên truyền, vận động về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình NTM đến người dân là việc làm quan trọng, thường xuyên. Tỉnh cũng đã thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến xã, bản với khoảng 25.200 người tham gia, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Với quan điểm thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, Sơn La đã tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM. Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có cơ chế để dân kiểm tra làm rõ những nội dung nhà nước đầu tư, hỗ trợ và nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ để thực hiện.

Song song với đó, tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế hộ, trang trại, nâng cao thu nhập cho người dân. nông thôn hiện chủ yếu là kinh tế hộ, toàn tỉnh có khoảng 22.400 hộ, có trên 10.000 hộ sản xuất theo mô hình trang trại, trong đó 35 trang trại chăn nuôi; 2 trang trại trồng cây lâu năm. Tập trung ở 2 huyện Mộc Châu 23 trang trại, Vân Hồ 8 trang trại; thu nhập bình quân hộ 73 triệu đồng/năm, bình quân trang trại doanh thu 2,5 tỷ đồng, thu nhập 650 triệu đồng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh, kết quả 5 năm có 22.965 lao động được học nghề, bao gồm: 7.154 người học nhóm nghề phi nông nghiệp, 15.811 người học nhóm nghề nông nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 85,1% số xã. góp phần thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động.

Công tác Phát triển giáo dục - đào tạo, cơ sở ý tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị; tăng cường năng lực đội ngũ y, bác sỹ tại các trạm, 143 xã có bác sỹ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm.

Qua 5 năm, trong tổng số 188 xã tham gia xây dựng NTM của tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, đó là: xã Chiềng Xôm (thành phố Sơn La); xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) và xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn). Năm 2015, bình quân thu nhập theo đầu người đạt 16 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23.5%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%. Sơn La hiện có 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 99 xã đạt 5-9 tiêu chí, 61 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Những kết quả bước đầu sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, nhất trí của người dân trong thực hiện chương trình.

Từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, vốn là một xã có xuất phát điểm kinh tế thấp, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, được sự ủng hộ của tỉnh, huyện và toàn thể Nhân dân bộ mặt nông thôn xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã đã có những đổi thay đáng kể, đặc biệt là đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.

Để có được những kết quả đó, theo đồng chí Lò Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Ban quản lý xây dựng NTM thì xã đã chú trọng đến công tác tuyên truyền đến Nhân dân thông qua nhiều hình thức đa dạng, điều đó làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Vì vậy, nhiều hộ dân đã không ngần ngại chặt nhiều cây ăn quả lâu năm hiến đất, góp sức, vật liệu làm đường nội bản, tu sửa kênh mương, nội đồng…

Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, hiện xã Chiềng Sơ đã đạt 8 tiêu chí xây dựng NTM. Xã đang tiếp tục tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Yên Châu ngoài công tác tuyên truyền đến Nhân dân chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng như những nội dung cơ bản của chương trình NTM, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi một phần diện tích đất nương sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời xây dựng các mô hình khuyến nông. Hiện toàn huyện có 564 mô hình khuyến nông, trong đó 388 mô hình khuyến nông tự nguyện. Thực tế cho thấy, các mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 41,3% năm 2010 xuống còn 27,7% năm 2015. 


Mô hình trồng quýt ở huyện Vân Hồ (Sơn La) đã và đang mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân - Ảnh: HM

Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của tỉnh Sơn La thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế về chiều sâu, chưa làm chuyển biến thật sự nhận thức của người dân, nhất là các xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tham mưu các chính sách, các giải pháp thực hiện tiêu chí của một số sở, ngành phụ trách, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời. Tiến độ xây dựng nông thôn mới trong các xã đa số còn chậm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 tiêu chí/xã, hiện còn 13 xã chỉ đạt 02 tiêu chí, cá biệt có 02 xã chỉ đạt 01 tiêu chí (xã Hồng Ngài và Háng Đồng, huyện Bắc Yên).

Khắc phục những khó khăn còn tồn tại, thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trên địa bàn 188 xã. Trong đó ưu tiên chỉ đạo, hỗ trợ cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2020 bình quân toàn tỉnh đạt 10-12 tiêu chí/xã, có 23 xã đạt chuẩn NTM.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trọng tâm là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và xã nghèo thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; nâng cao đời sống dân cư nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân 30 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đáp ứng cơ bản các dịch vụ thiết yếu đời sống: giao lưu hàng hóa, thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa; an ninh, trật tự xã hội nông thôn được giữ vững…

Để đạt được những chỉ tiêu đặt ra, Sơn La tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội, sức mạnh đoàn kết toàn dân ở nông thôn nhất là trên địa bàn xã, bản miền núi. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung điều chỉnh quy hoạch của các xã xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020 cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và với điều kiện thực tế địa bàn từng xã. Xác định lại tổng khái toán thực hiện đề án, cân đối các nguồn lực thực hiện, trong đó làm rõ nhu cầu vốn cho từng công trình, dự án; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã có điều kiện đạt chuẩn để công bố đúng lộ trình. Quán triệt thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy nội lực sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, có cơ chế để dân kiểm tra làm rõ những nội dung nhà nước đầu tư, hỗ trợ và nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ để thực hiện./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN