Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sơn La – “Nước mắt” dó bầu...

Thứ Sáu, 29/04/2016 11:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nằm trong chương trình thực hiện dự án di dân, tái định cư phục vụ Thủy điện Sơn La, từ năm 2006, khi mô hình thực nghiệm trồng và cấy chế phẩm sinh học cho cây dó bầu bản địa tạo trầm, phổ biến cho dân tái định cư thủy điện Sơn La và dân sở tại được áp dụng, đời sống của đồng bào người Thái ở bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La đã bước đầu có những khởi sắc. 

Tuy nhiên, do một số “khúc mắc” giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nên hàng trăm ha trồng cây dó bầu xen canh cà phê ở bản Hìn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung hiện đang có nguy cơ lâm vào tình trạng "bán chẳng ai mua". Đời sống người dân lại đứng trước những khó khăn không nhỏ…

Bà Tòng Thị Mai chia sẻ với phóng viên về hiệu quả kinh tế thu được từ cây dó bầu. Ảnh QĐ

 

Cơ hội đổi đời cho đồng bào tái định cư…

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về xây dựng công trình trọng điểm quốc gia Thủy điện Sơn La, hàng nghìn hộ dân ở huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di dân tái định cư về khu vực phường Chiềng An và phường Chiềng Đen thuộc thành phố Sơn La. Với mục tiêu “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, trong giai đoạn 2004 - 2006, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai tích cực Dự án xây dựng các cụm tái định cư kinh tế bền vững cho dân vùng lòng hồ thủy điện. Đặc biệt, với vai trò tích cực của Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và tư vấn xây dựng 135 (gọi tắt là Công ty 135), hơn 250 ha trồng cây dó bầu địa tạo trầm đã được tổ chức thực hiện tại các bản di dân tái định cư ở thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai…

Cây dó bầu được biết đến là loại cây thích hợp với cấy chế phẩm tạo trầm. Sau thời gian trồng từ 5 - 6 năm, cây dó bầu đạt đường kính 15 - 20 cm là đủ điều kiện để cấy trầm. Sản phẩm thu được rất được thị trường ưu chuộng và có giá trị kinh tế cao. Theo đó, ngay sau khi khảo sát điều tra, Công ty 135 đã chủ động kết nối, vận động người dân thực hiện mô hình thực nghiệm trồng và cấy chế phẩm sinh học cho cây dó bầu bản địa tạo trầm. Mọi việc từ chuẩn bị cây giống, tập huấn kỹ thuật cho bà con, phòng trừ dịch bệnh… đều được Công ty 135 bảo đảm. Đến đầu năm 2015, những lứa dó bầu đầu tiên ở bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La chính thức cho thu hoạch. Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty 135 và bà con nhân dân bản Hìn, với giá thu mua 30 nghìn đồng/kg tươi, mỗi cây dó bầu có giá trị từ 1,9 - 2,0 triệu đồng/cây. Cây dó bầu đã thực sự mở ra cơ hội đổi đời cho người dân nơi đây.

Chỉ tay vào ngôi nhà 2 tầng vẫn còn nguyên lớp sơn mới, bà Tòng Thị Mai ở bản Hìn chia sẻ với chúng tôi: Lứa thu hoạch đầu tiên với 1/3 diện tích trồng dó bầu, gia đình tôi đã thu về hơn 420 triệu đồng. Số tiền này đã giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học. Đặc biệt, chu kỳ sinh trưởng của cây dó bầu sẽ cho phép người dân thu hoạch trầm hương tới 3 lần. Đây thực sự là nguồn lợi rất lớn, vừa góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đồi rừng của địa phương, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang….

Điều đáng nói, trong quy trình trồng, chăm sóc cây dó bầu, việc cấy chế phẩm sinh học là công việc khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật cao mà không phải đơn vị nào cũng có thể thực hiện được. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La mới chỉ có Công ty 135 đủ năng lực đảm nhiệm kỹ thuật cấy chế phẩm sinh học và thu mua, tiêu thụ sản phẩm trầm hương.

Song, vấn đề là trong suốt giai đoạn 2003 - 2015, Công ty 135 đã tham gia đầu tư rất nhiều dự án phục vụ công tác tái định cư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo ông Nguyễn Nhật Thanh, Giám đốc Công ty 135, đến thời điểm này, tổng số vốn Công ty đã đầu tư vào các dự án ở Sơn La vào khoảng trên 10 tỷ đồng, trong khi số tiền thanh lý hợp đồng được thực hiện mới dừng lại ở hơn 400 triệu đồng. Nhiều hồ sơ của các dự án, nhất là trong giai đoạn 2003 - 2007 do Ban Quản lý Dự án tái định cư thành phố Sơn La đã “bị cháy” nên việc thanh lý hợp đồng gần như đã đi vào “ngõ cụt”.

Do những khó khăn về tài chính, từ cuối năm 2015, Công ty 135 đã chính thức dừng thu mua sản phẩm trầm hương được tạo từ cây dó bầu. Hàng chục ha cây dó bầu đã được cấy chế phẩm sinh học và đang vào kỳ thu hoạch không được thu mua đã gây những khó khăn rất lớn đối với đời sống người dân. Nhiều hộ dân tại các phường Chiềng An và phường Chiềng Đen đang hết sức lo lắng khi sản phẩm không được doanh nghiệp thu mua.

Cùng chúng tôi đi tham quan trên 500 gốc dó bầu đã đến kỳ thu hoạch, anh Lò Văn Pon ở bản Hìn, phường Chiềng An buồn bã tâm sự với chúng tôi: Mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển cây dó bầu, với sự giúp đỡ của Công ty 135, khu đồi trồng dó bầu xen canh cà phê của gia đình tôi phát triển rất tốt. Đang chuẩn bị thuê người thu hoạch để bán cho Công ty 135 thì doanh nghiệp đột ngột dừng thu mua. Giờ, gia đình tôi chẳng biết làm sao vì bao tâm huyết, tiền của, công sức đã dồn hết cả vào cây dó bầu...

Thực tế cho thấy, trong thực hiện dự án di dân, tái định cư phục vụ Thủy điện Sơn La, mô hình thực nghiệm trồng và cấy chế phẩm sinh học cho cây dó bầu bản địa tạo trầm đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Theo ước tính, với giá thu mua hiện nay, diện tích trồng cây dó bầu hứa hẹn sẽ đem lại cho người dân các khu vực tái định cư trên địa bàn tỉnh Sơn La nguồn lợi kinh tế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Song, để cây dó bầu sớm có “lối thoát” và thực sự trở thành cây làm giàu cho đồng bào các dân tộc ở Sơn La, thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cần chủ động chung tay cùng tháo gỡ những khó khăn với Công ty 135. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh tại buổi làm việc với đại diện Công ty 135, ngày 10/11/2015, trong đó, vấn đề mấu chốt nhất là hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để thanh lý hợp đồng, tháo gỡ khó khăn để Công ty 135 sớm có vốn thu mua sản phẩm trầm hương từ cây dó bầu bản địa./.

 

Tạ Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN