Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sóc Trăng sớm đưa chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 21/11/2022 23:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Sóc Trăng đã tích cực triển khai thực hiện, sớm đưa chính sách đến với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện Chương trình, ngay khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 3/3/2022 thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 là gần 2.921 tỷ đồng. Đồng thời với đó, tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế quản lý, triển khai thực hiện chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện chương trình. Để có cơ sở cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước lập kế hoạch trung hạn và hàng năm, giúp triển khai thực hiện Chương trình kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, UBND tỉnh đã trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện chương trình và dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2022.

 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, do đây là chương trình lớn, mới, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời và đầy đủ, nguồn vốn phân bổ chậm khiến các khâu triển khai cũng bị chậm theo. Tuy nhiên, xác định mục tiêu, yêu cầu và ý nghĩa của chương trình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt.

Đến nay, các sở, ban ngành, địa phương đang khẩn trương thúc đẩy tiến trình các dự án, thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo kế hoạch giao vốn đúng theo quy định, về cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Sóc Trăng phấn đấu hết năm nay sẽ giải ngân vốn Trung ương gần 162,9 tỷ đồng, đạt 78%; ngân sách địa phương và vốn huy động giải ngân trên 27,4 tỷ đồng, đạt 79% so với kế hoạch vốn năm. 

Để thực hiện mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, giúp cho đồng bào phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình; Triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc Chương trình, phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các dự án, chính sách dân tộc; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện, nhân rộng và khen thưởng những mô hình mới, cách làm hiệu quả; thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS, chiếm 35,44% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 30%; dân tộc Hoa hơn 5% và dân tộc khác. 

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3% - 4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 99% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS...

T. Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN