Số hóa mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(ĐCSVN) - Khi dịch COVID-19 bùng phát khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số. Số hóa mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo được xem là chìa khoá để các quốc gia phục hồi sau đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các đại biểu trao đổi chủ đề "Chuyển đổi số - Chìa khoá của sự tăng trưởng". (Ảnh: PV) |
Chiều 21/6, trong khuôn khổ sự kiện Vinh danh Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới năm 2022 tổ chức tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Chương trình hội thảo về phát triển thành phố thông minh, chuyển đổi số.
Thành phố thông minh không chỉ là công nghệ
Tại chương trình, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thành phố thông minh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Qua đó giúp các đại biểu tiếp cận những tri thức, tầm nhìn mới, nắm bắt sự phát triển chung về Thành phố thông minh Bình Dương cũng như các cộng đồng khác trên thế giới, tìm hiểu và học hỏi xu thế của thời đại, những công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bài phát biểu của mình, ông Louis Zacharilla - Nhà đồng sáng lập tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) nhấn mạnh, thành phố thông minh không chỉ là công nghệ, mục tiêu của thành phố thông minh đã được chuyển từ tập trung vào những giải pháp công nghệ sang con người và cuộc sống của họ. Theo ông, quá trình phát triển thành phố thông minh không chỉ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến mà còn cần một hệ thống quản trị thông minh, đảm bảo mạng lưới tích hợp và tương thích giữa yếu tố công nghệ mới với những đặc thù của địa phương. Trong đó quản trị bao hàm cả yếu tố công nghệ và các yếu tố tư duy hệ thống, cách phân bổ và khai thác nguồn lực như thế nào.
Cùng quan điểm trên, ông Agus Argelich – Chủ tịch và nhà sáng lập Argelich Networks, Giáo sư Đại học Lleida cho rằng, công nghệ không phải mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số mà công nghệ chỉ là nền tảng để tạo ra phúc lợi và sự thịnh vượng cho xã hội. Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến cộng đồng và xã hội toàn cầu, làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng toàn diện lên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong 2 năm qua, trong điều kiện thách thức chưa từng có như vậy, công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo đã được chứng minh là những động lực quan trọng nhất cho sự phục hồi và tiến bộ kinh tế - xã hội. Nhờ vào công nghệ, mọi người có thể làm việc tại nhà, tham gia lớp học trực tuyến, mua sắm thương mại điện tử… Nhiều dịch vụ kỹ thuật số về chăm sóc y tế cũng được phát triển. Điều đó khẳng định mục đích cuối cùng của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là lấy con người làm trọng tâm, sử dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu của con người.
Theo ông Agus Argelich, việc xây dựng thành phố thông minh tác động đến chất lượng cuộc sống người dân thể hiện qua 5 yếu tố. Thứ nhất là thiết kế và quy hoạch đô thị: Tốc độ đô thị hóa cao ở Việt Nam và việc tập trung phát triển các đô thị mới là tiền đề cho các phương pháp tiếp cận đổi mới, mang lại hệ thống hạ tầng hiện đại và nhiều tiện ích cho người dân. Thứ hai, tính di động và khả năng tiếp cận: Sự gia tăng của các phương tiện cá nhân kết hợp với tốc độ đô thị hóa cao gây áp lực to lớn lên các tuyến đường và hệ thống giao thông công cộng; các phát triển như hệ thống di động chia sẻ, các tùy chọn di động vi mô tạo tiền đề tuyệt vời phục vụ đời sống con người. Kế đến là môi trường lành mạnh: Việc thay thế sản xuất năng lượng bằng nhiên liệu than và hệ thống giao thông dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo giúp cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, các giải pháp thành phố thông minh và số hóa có thể có tác động tích cực đến các nhu cầu quan trọng của người dân như: chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục… Và cuối cùng là Chính phủ điện tử và dịch vụ công tạo thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Để thực hiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, theo ông, Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cần chú trọng các yếu tố: Khả năng lãnh đạo; sự cởi mở tiếp thu cái mới; nỗ lực vượt qua thách thức; sự phù hợp và kết nối; thái độ và năng lực.
Chuyển đổi số - Chìa khoá của sự tăng trưởng
Phiên thảo luận chủ đề "Chuyển đổi số - Chìa khoá của sự tăng trưởng" tập trung đánh giá những tác động của của chuyển đổi số đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng thành phố thông minh.
Theo các đại biểu, dịch bệnh COVID-19 đem đến nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng chính là "động lực" thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng. Khi dịch COVID-19 bùng phát khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số. Số hóa mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo được xem là chìa khoá để các quốc gia phục hồi sau đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do đó, chuyển đổi số cần được tập trung thực hiện trên 7 lĩnh vực quan trọng: Chính phủ điện tử (e-government); sức khỏe điện tử (e-health); thương mại điện tử (e-commerce); giáo dục trực tuyến (e-learning); làm việc từ xa (Remote work); công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) và tính di động (Mobility).
Bình Dương đã thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương từ năm 2016 và luôn bám chặt theo khái niệm chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa. Được hỗ trợ và truyền cảm hứng từ Cộng đồng Thông minh ICF của năm (2011) - Brainport Eindhoven (Hà Lan), sự nỗ lực và hỗ trợ từ Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã ứng dụng triệt để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày một "thông minh" hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn. Một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương, như: Trung tâm Điều hành Thông minh, EIU Campus với Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Fablab, Trung tâm sản xuất tiên tiến; Trung tâm thương mại thế giới WTC… mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng Bình Dương.
Với những chiến lược đúng đắn và những bước phát triển kiên định, vững chắc của của Bình Dương trong thời gian qua, Bình Dương đã bốn lần liên tiếp nằm trong TOP 21 (Smart 21) và lọt vào TOP 7 lần đầu tiên vào năm 2021, cùng các thành phố của các quốc gia như Canada, Brazil, Australia…
Tại chương trình, các đại biểu cũng đã nghe những chia sẻ về bài học điển hình từ mô hình phát triển hậu công nghiệp Brainport Eindhoven (Hà Lan).