Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm song vẫn ở mức cao
(ĐCSVN) – Đến sáng 15/6, thế giới có tổng số 177.020.331 ca nhiễm và 3.827.430 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 300.255 và 6.671 ca trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trên thế giới do đại dịch này.
Thế giới đang đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: New York Post) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 15/6, đã có 161.201.623 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.991.278 ca bệnh đang điều trị, có 11.906.651 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 84.627 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 62.597 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (40.865 ca) và Mỹ (9.918 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.452 ca, sau đó là Brazil (928 ca) và Argentina (686 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 53.668.128 ca. Trong đó, 748.866 ca đã tử vong do COVID-19 và 50.805.927 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 29.570.035; 5.336.073 và 3.039.432 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 377.061; 48.795 và 82.217 ca.
Với 47.221.897 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 15/6, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.086.985 ca tử vong và 44.569.468 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 32.890 ca nhiễm và 672 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.741.354; 5.222.408 và 4.573.419 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.907 ca, sau khi có thêm 3 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (127.038 ca) và Nga (126.801 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 18.048 ca nhiễm COVID-19 và 377 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 40.194.322 và 908.006 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 34.335.105 ca nhiễm và 615.225 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.454.176 và 1.403.285 ca nhiễm, cùng 230.148 và 25.944 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 100.082 ca nhiễm và 2.748 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 30.759.833 ca và 946.914 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 21.292 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 17.454.861 vào thời điểm hiện tại, và 928 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 488.404 ca.
Tính đến sáng 15/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.105.027 ca, trong đó có 135.389 ca tử vong và 4.559.525 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.752.630 ca nhiễm và 57.879 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 5.548 ca nhiễm và 114 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 523.999 và 370.224 ca nhiễm bệnh cùng 9.213 và 13.567 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 70.403 ca nhiễm (tăng 112 ca) và 1.255 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 14 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.262 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất, phân bổ và tiêm phòng vaccine đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế cho rằng cam kết của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn.
Chương trình ACT Accelerator - cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19 -cho biết hiện cần hơn 16 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Tuy nhiên, theo cơ chế COVAX, đến nay mới vận chuyển được 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với dự đoán.
Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết châu Phi sẽ được ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của G7 tặng./.