Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
(ĐCSVN) – Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 bàn thảo về những xu hướng chuyển đổi số và chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững cho ngân hàng số Việt Nam.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: M.P) |
Ngày 29/10 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024. Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững” sự kiện năm nay đề cập đến tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang có những bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số, với một hành lang pháp lý rộng mở cho phép các ngân hàng áp dụng công nghệ mới. Ông khẳng định, NHNN đã tiên phong trong việc mở tài khoản eKYC từ năm 2021, và gần đây nhất là triển khai xác thực qua căn cước công dân gắn chip, tạo điều kiện để các dịch vụ như bảo lãnh và cho vay trực tuyến trở nên thuận lợi, an toàn hơn.
“Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã mở đường cho việc áp dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân và doanh nghiệp trong thời đại số hóa” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, ngành Ngân hàng Việt Nam và thế giới đang trải qua một bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi số. Các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và nền tảng ngân hàng mở đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu giao dịch 24/7 của khách hàng. Ông Hùng cho rằng, ngành Ngân hàng cần xây dựng môi trường hợp tác, nơi các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngân hàng số.
Các đại biểu trong phiên thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: M.P) |
Theo ông Hùng, ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số. Đến nay, hơn 80% người trưởng thành tại Việt Nam đã sở hữu tài khoản thanh toán, với số lượng hồ sơ khách hàng cá nhân và tổ chức trên toàn hệ thống đạt hơn 200 triệu hồ sơ. Trong đó, 46,7 triệu hồ sơ đã được xác thực thông tin sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip, đảm bảo an toàn tối đa cho cả khách hàng và ngân hàng.
Bên cạnh những thành tựu, ông Hùng cũng chỉ ra các thách thức ngày càng lớn về an ninh, an toàn thông tin, nhất là khi các cuộc tấn công mạng có chủ đích nhằm vào hệ thống ngân hàng và các thủ đoạn lừa đảo khách hàng đang gia tăng. Ông cho rằng: “Ngành ngân hàng cần không ngừng nâng cao các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, đồng thời tăng cường ý thức bảo mật cho khách hàng trong giao dịch trực tuyến. Đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi để ngành ngân hàng phát triển bền vững trong thời đại số.”
Tại sự kiện, ba phiên chuyên đề đã được tổ chức nhằm thảo luận các chiến lược và giải pháp cho những thách thức của ngân hàng số. Phiên chuyên đề đầu tiên tập trung vào việc “Đổi mới hạ tầng công nghệ”, trong đó các đại diện từ Techcombank, MSB, và Visa đã chia sẻ các giải pháp hiện đại để đổi mới hệ thống ngân hàng lõi, đảm bảo vận hành liên tục, linh hoạt trong môi trường số hóa. Phiên thứ hai hướng đến phát triển “Hệ sinh thái ngân hàng mở” với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, cải thiện trải nghiệm thanh toán số và cá nhân hóa dịch vụ. Phiên thứ ba xoay quanh “Bảo mật trong chuyển đổi số,” với sự tham gia của các chuyên gia từ Techcombank, Mastercard, Samsung Vina, giới thiệu các giải pháp bảo vệ hệ thống giao dịch trực tuyến và chống lại các mối đe dọa từ mã độc.
Hình ảnh các gian hàng tham dự triển lãm tại sự kiện. (Ảnh: M.P) |
Ngoài ra, hoạt động diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense là một trong những điểm nhấn của sự kiện, giúp các ngân hàng thương mại tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công mạng, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng. Việc diễn tập giúp các ngân hàng nhận diện và đánh giá nguy cơ, từ đó nâng cao năng lực ứng phó, bảo vệ dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả.
Trao đổi bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, hiện nay hơn 98% giao dịch của TPBank diễn ra trên nền tảng số. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đảm bảo an toàn và vận hành ổn định. Ông Hưng nhấn mạnh: “Khi lượng giao dịch số tăng cao, chúng tôi phải đối mặt với áp lực lớn về bảo mật thông tin. TPBank không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng mạnh mà còn tập trung bảo vệ khách hàng khi họ tự thực hiện giao dịch qua các ứng dụng di động và nền tảng số của ngân hàng.”
Theo ông Hưng, trong bối cảnh môi trường số, các tội phạm mạng ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm vào hệ thống ngân hàng mà còn tấn công vào từng khách hàng. “Ngoài bảo vệ hệ thống, chúng tôi không ngừng cảnh báo, hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu, mã OTP với bất kỳ ai. Đây là thách thức không chỉ riêng TPBank mà của toàn ngành ngân hàng” - ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho biết TPBank đang đẩy mạnh triển khai công nghệ sinh trắc học và xác thực căn cước công dân gắn chip để nâng cao an toàn cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Ông nhận định: “Sinh trắc học sẽ tạo ra phương thức xác thực độc nhất, tăng cường bảo mật và giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch qua kênh số”.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết ngân hàng Vietinbank đã ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí vận hành. Theo ông, AI không chỉ giúp giảm bớt thời gian đào tạo mà còn hỗ trợ các quy trình tự động trong nội bộ ngân hàng. “Chúng tôi đã triển khai hệ thống chatbot AI, giúp nhân viên tiếp cận quy trình và tài liệu nội bộ nhanh chóng. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhân viên mới, khi phải tiếp cận khối lượng tài liệu khổng lồ của ngân hàng” - ông Lân cho biết.
Bên cạnh đó, AI còn là công cụ đắc lực giúp VietinBank phân tích hành vi khách hàng và cá nhân hóa dịch vụ. Ông Lân cho biết: “AI cho phép chúng tôi hiểu rõ nhu cầu và thói quen của từng khách hàng, từ đó dự đoán và cung cấp các sản phẩm phù hợp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng”.
Về bảo mật, VietinBank đã áp dụng sinh trắc học để xác thực danh tính, bảo vệ tài khoản của khách hàng trước các hành vi lừa đảo. Ông Lân nhấn mạnh rằng: “AI và sinh trắc học giúp VietinBank linh hoạt trong việc ứng phó với các biến số công nghệ và đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng trong môi trường giao dịch trực tuyến.”
Ông Lân cho biết thêm rằng AI không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp VietinBank tùy biến hệ thống dễ dàng khi có thay đổi công nghệ hoặc yêu cầu mới từ khách hàng. “Trước đây, việc điều chỉnh hệ thống rất mất thời gian, nhưng nhờ AI, chúng tôi có thể phản ứng nhanh, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng” - ông chia sẻ thêm.
Smart Banking 2024 đã tạo ra diễn đàn để các tổ chức tài chính, công ty công nghệ và các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất và xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số bền vững. Qua đó, nhiều góc nhìn giá trị từ các lãnh đạo, chuyên gia, không chỉ về xu hướng công nghệ mà còn về những thách thức và cơ hội nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo an toàn thông tin, và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Các phiên thảo luận và ý kiến từ lãnh đạo các ngân hàng hàng đầu đều cho thấy quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc chuyển đổi số một cách toàn diện và an toàn./..