Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

SIPRI: Nhập khẩu vũ khí của một số khu vực có dấu hiệu gia tăng

Thứ Hai, 14/03/2022 17:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 14/3, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo thường niên cho thấy, hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu đã giảm nhẹ trong giai đoạn 2012 - 2016 và 2017 - 2021 (-4,6%). Tuy nhiên, các hoạt động nhập khẩu vũ khí của một số khu vực trên thế giới lại có dấu hiệu gia tăng, gồm châu Âu (+19%), Đông Á (+20%) và châu Đại Dương (+59%).

 Ảnh minh họa: militarywatchmagazine.com

Số liệu thống kê từ SIPRI cho thấy, hoạt động xuất khẩu vũ khí của các nước gồm Mỹ và Pháp đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Các hoạt động vận chuyển vũ khí tới Trung Đông vẫn duy trì ở mức cao, trong khi tới khu vực châu Phi và châu Mỹ lại ghi nhận xu hướng ngược lại.

Theo đánh giá của ông Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển giao vũ khí của SIPRI: “Sự sụt giảm nhỏ trong các hoạt động chuyển giao vũ khí trên toàn cầu đã làm mờ đi sự khác biệt lớn giữa các xu hướng trong khu vực… Bên cạnh một số diễn biến tích cực, bao gồm nhập khẩu vũ khí của Nam Mỹ đạt mức thấp nhất trong 50 năm, thì việc tăng hoặc tiếp tục duy trì tỷ lệ nhập khẩu vũ khí cao lại ghi nhận ở một số khu vực như châu Âu, Đông Á, châu Đại Dương và Trung Đông đã góp phần làm gia các hoạt động phát triển vũ khí đáng lo ngại”.

Sự “thiếu rõ ràng” trong nhiều hợp đồng và các hoạt động tài trợ vũ khí đã khiến các chuyên gia khó đưa ra con số chính xác về hoạt động buôn bán vũ khí thế giới nhưng các ước tính kim ngạch của lĩnh vực này đạt gần 100 tỷ USD mỗi năm.

Châu Âu trở thành “điểm nóng” mới về nhập khẩu vũ khí

Theo báo cáo của SIPRI, châu Âu ghi nhận nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2017 - 2021 tăng tới 19% so với giai đoạn 2012 - 2016 và chiếm tới 13% khối lượng vũ khí giao dịch trên toàn thế giới. Trong đó, các nước nhập khẩu vũ khí chủ đạo ở châu Âu bao gồm: Anh, Na Uy, Hàn Lan. Một số quốc gia châu Âu khác cũng đang có động thái tăng đáng kể lượng vũ khí nhập khẩu trong thập kỷ tới, thông qua việc ký kết các đơn đặt hàng lớn, đặc biệt là các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Trong giai đoạn 2017 - 2021, dù tình hình xung đột diễn biến phức tạp ở miền Đông Ukraine, song lượng vũ khí nhập khẩu của quốc gia nay chỉ được đánh giá “xếp ở mức khiêm tốn”.

Nhà nghiên cứu cấp cao Wezeman cho biết châu Âu hiện đã trở thành "điểm nóng mới". Ông nhận định châu Âu sẽ tăng chi tiêu quân sự "không chỉ chút ít mà là rất nhiều" và phần lớn vũ khí mới là vũ khí nhập khẩu. Theo ông Wezeman, thị phần của châu Âu trong hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng từ 10 lên 13% trong 5 năm qua và tỷ trọng này sẽ tăng “đáng kể”.

Ông Wezeman dự báo, sự xấu đi trong quan hệ giữa hầu hết các nước châu Âu và Nga là động lực chính để thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu vũ khí của châu Âu, đặc biệt đối với các nước có ngành công nghiệp vũ khí quốc gia không bắt kịp nhu cầu của họ. Chuyên gia này lưu ý rằng, việc chuyển giao vũ khí đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Châu Á và châu Đại Dương: Xuất khẩu vũ khí nhìn chung giảm

Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng châu Á và châu Đại Dương tiếp tục duy trì vị trí là những khu vực nhập khẩu vũ khí lớn của thế giới, khi tiếp nhận 43% vũ khí chuyển giao trên thế giới giai đoạn 2017 - 2021. Trong đó, 6 nước trong khu vực nằm trong top 10 các nước nhập khẩu vũ khí trên toàn cầu, bao gồm: Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản. Trong thời gian qua, các hoạt động chuyển giao vũ khí tại khu vực này nhìn chung có dấu hiệu giảm nhẹ (-4,7%), song lại có sự khác biệt lớn giữa các tiểu vùng khác nhau.

Đơn cử, SIPRI chỉ ra rằng, nhập khẩu vũ khí vào Nam Á giảm 21% và nhập khẩu vào Đông Nam Á giảm 24% trong giai đoạn 2012 - 2016 và 2017 - 2021. Trong cùng kỳ, nhập khẩu vũ khí sang Châu Đại Dương tăng 59%, do nhập khẩu của Úc tăng 62% và nhập khẩu sang Đông Á tăng 20%.

Lý giải điều này, ông Wezeman cho rằng, những biến động trong quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á cùng châu Đại Dương là động lực chính của nhập khẩu vũ khí trong khu vực. “Những căng thẳng này cũng là một nhân tố chính dẫn đến việc Mỹ chuyển giao vũ khí cho khu vực. Mỹ vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho châu Á và châu Đại Dương, vì xuất khẩu vũ khí là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc” -  chuyên gia của SIPRI phân tích.

Trung Đông: Nhập khẩu vũ khí chững lại sau khi tăng mạnh

Trong giai đoạn 2017 - 2021, các quốc gia Trung Đông đã nhập khẩu vũ khí nhiều hơn 2,8% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Khi xung đột ở Yemen tiếp diễn còn căng thẳng giữa Iran và các quốc gia khác trong khu vực vẫn ở mức cao, nhập khẩu vũ khí đóng một vai trò quan trọng đối với diễn biến an ninh ở vùng Vịnh. Nhập khẩu vũ khí của Ả Rập Xê Út - nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới - tăng 27% trong giai đoạn 2012 - 2016 và 2017 - 2021. Nhập khẩu vũ khí của Qatar tăng 227%, đưa nước này từ nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 22 lên lớn thứ 6 trong bảng xếp hạng thế giới. Ngược lại, nhập khẩu vũ khí của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã giảm 41% trong giai đoạn 2012 - 2016 và 2017 - 2021, đưa nước này từ nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 xuống thứ 9 trên phạm vi toàn cầu./.

T.Lan (Theo SIPRI, SCMP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN