Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Singapore: Lạm phát cơ bản bắt đầu hạ nhiệt

Thứ Ba, 25/04/2023 14:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ngày 24/4, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) công bố báo cáo cho thấy, lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí đi lại và ăn ở cá nhân) trong tháng 3 vừa qua tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức 5,5% trong tháng 1 và tháng 2 trước đó.

Lạm phát cơ bản của Singapore hạ nhiệt do giá cả ngành dịch vụ, thực phẩm, bán lẻ và các hàng hóa khác hạ nhiệt. (Ảnh: Reuters)

Theo MTI và MAS, lạm phát cơ bản của Singapore tháng 3 vừa qua cũng thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế ở mức 5,1%. Lạm phát toàn phần của nước này trong tháng 3 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với mức 6,3% được ghi nhận trong tháng trước đó.

Báo cáo cho biết, lạm phát cơ bản giảm, chủ yếu do giá cả các ngành dịch vụ, thực phẩm, bán lẻ và các hàng hóa khác hạ nhiệt.

Tháng 3 vừa qua, lạm phát giá thực phẩm giảm nhẹ xuống mức 7,7% so với cùng kỳ năm trước và mức 8,1% trong tháng 2. Lạm phát giá dịch vụ, giảm từ mức 3,9% xuống 3,4% nhờ giá vận chuyển giảm. Lạm phát các mặt hàng bán lẻ và các hàng hóa khác cũng giảm từ mức 3,8% xuống 3,3% do giá các sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ gia dụng lâu bền tăng chậm hơn. Trong khi đó, lạm phát giá nhà ở giảm nhẹ xuống 4,8%, từ mức 4,9%.

Chuyên gia kinh tế Lee Ju Ye của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank cho biết, lạm phát cơ bản tại Singapore thời gian qua tăng cao chủ yếu là do cuộc xung đột tại Ukraine tác động đến giá lương thực và năng lượng tại nước này. Bà Lee Ju Ye đánh giá lạm phát cơ bản chậm lại là do “chi phí ăn ở dường như đã đạt đỉnh, trong khi giá lương thực và vận tải tư nhân có thể tiếp tục cải thiện so với năm ngoái”. Bên cạnh đó, bà cũng kỳ vọng lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản sẽ từng bước hạ nhiệt, đồng thời mong muốn MAS không tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ cứng rắn vào cuộc họp tháng 10 tới đây.

MAS và MTI cảnh báo, lạm phát tại Singapore tiếp tục xu hướng gia tăng trong bối cảnh những bất ổn từ căng thẳng địa chính trị, giá hàng hóa toàn cầu cao hơn và tình trạng thắt chặt thị trường lao động trong nước lâu hơn dự kiến.

Để chống lạm phát MAS đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ và cảnh báo việc duy trì đồng đô la Singapore mạnh cũng có nguy cơ làm chậm lại nền kinh tế.

Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế công bố ngày 14/4 vừa qua, MAS quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ sau 5 lần thắt chặt liên tiếp kể từ tháng 10/2021, với lý do rủi ro tăng trưởng toàn cầu gia tăng và lạm phát có xu hướng giảm. MAS cũng dự báo lạm phát cơ bản sẽ vẫn tăng trong vài tháng tới, nhưng giảm dần vào nửa cuối năm 2023 và giảm mạnh vào giai đoạn cuối năm.

Ngoài ra, MAS cũng dự báo lạm phát cơ bản sẽ ở mức trung bình 3,5% đến 4,5% và lạm phát toàn phần được dự báo ở mức 5,5% đến 6,5% trong năm nay./.

H.Hà (Theo Reuters, Trading Economics)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN