Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

SEAFFGS: Công cụ hỗ trợ đắc lực cảnh báo thiên tai khu vực Đông Nam Á

Thứ Sáu, 01/07/2022 11:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – SEAFFGS được kỳ vọng là công cụ được ứng dụng hiệu quả trong nghiệp vụ dự báo, cảnh báo thiên tai không chỉ ở Việt Nam, mà còn hiệu quả đối với các quốc gia Đông Nam Á thành viên, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, giảm nhẹ nguy cơ do các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất gây ra.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ảnh: Tuyết Chinh 

Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) về Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) vừa được thiết lập và chính thức triển khai tại Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Khi Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) được thiết lập và chính thức triển khai, ông kì vọng gì khi ứng dụng hệ thống này trong công tác dự báo cảnh báo?

GS.TS Trần Hồng Thái: Lũ quét là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất thế giới với hơn 5.000 sinh mạng bị thiệt hại hàng năm. Các tác động của của loại hình thiên tai này đến xã hội, kinh tế và môi trường là đáng kể; đặc biệt lũ quét là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại hình lũ, lụt khác nhau, kể cả khu vực ven sông và ven biển. Lũ quét khác với lũ sông ở quy mô với thời gian ngắn, xảy ra trên không gian nhỏ, đây là thách thức không nhỏ cho việc cảnh báo, dự báo lũ quét, và cũng là đặc điểm khác với công tác dự báo lũ cho sông lớn.

Lũ quét xảy ra khắp nơi trên thế giới, thời gian phát triển ở các vùng khác nhau từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào bề mặt đất, đặc điểm địa mạo và đặc điểm khí tượng thủy văn của từng khu vực.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến lũ quét, đặc biệt để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ/Văn phòng Hỗ trợ Thảm họa Nước ngoài Hoa Kỳ (USAID/OFDA), Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia/Cơ quan Thời tiết quốc gia (NOAA/NWS) và Trung tâm nghiên cứu Thủy văn (HRC) đã hợp tác để cùng xây dựng một hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS). Mục đích chính của Hệ thống FFGS là thiết kế và phát triển để hỗ trợ cho cán bộ dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới trong nghiệp vụ.

Trong quá trình hoạt động của GFFGS, nhiều hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét các khu vực trên thế giới đã được thiết lập và triển khai trong nghiệp vụ dự báo, cảnh báo lũ quét.

Ngày 19/2/2017, Tổ chức Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) và WMO đã ký một bản thỏa thuận cùng đóng góp xây dựng một dự án có tên “Xây dựng khả năng chống chịu tác động của các hiện tượng khí tượng thủy văn qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và Đông Nam Á”. Nội dung chính trong khuôn khổ của Chương trình này là xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, gọi tắt là SEAFFGS.

Trong quá trình 03 năm xây dựng (từ 2020 – 2022), SEAFFGS đã được thiết lập với mục tiêu hướng tới phục vụ công tác dự báo, cảnh báo cho 04 quốc gia thành viên Đông Nam Á là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.

SEAFFGS sẽ hỗ trợ cho các dự báo viên, các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác dự báo, các cơ quan quản lý thiên tai các sản phẩm để định hướng về thông tin thời gian thực mối đe dọa của lũ quét trong phạm vi hẹp.

Đây là một hệ thống hiện đại được thiết lập từ nhiều nguồn dữ liệu, đặc biệt là hệ thống đầu tiên trong chuỗi các Hệ thống FFGS sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn trong việc tính toán các dữ kiện, các chỉ số sinh lũ quét.

SEAFFGS cung cấp một hệ thống công cụ hiện đại, hỗ trợ các cán bộ dự báo khí tượng thủy văn phân tích, giám sát và cảnh báo thiên tai lũ quét thông qua các dữ liệu quan trắc tự động, dữ liệu mô hình theo thời gian thực bao gồm các sản phẩm chính. 

Ngoài ra, SEAFFGS cho phép điều chỉnh các sản phẩm dựa trên kinh nghiệm của người dự báo với điều kiện địa phương, kết hợp nhiều thông tin khác như kết quả dự báo mưa từ các mô hình số trị, các thông tin báo cáo của địa phương, các dữ liệu từ các trạm đo mưa phi truyền thống hoặc báo cáo từ quan trắc viên địa phương. Hơn nữa, SEAFFGS là đã tích hợp được mô-đun cảnh báo sạt lở đất, đây là chức năng cực kỳ quan trọng để cảnh báo một trong những thảm họa thường xảy ra tại các khu vực miền núi, trung du ở các nước Đông Nam Á nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa.

Có thể nói, SEAFFGS sẽ được kì vọng là công cụ được ứng dụng hiệu quả trong nghiệp vụ dự báo, cảnh báo thiên tai không chỉ ở Việt Nam, mà còn hiệu quả đối với các quốc gia Đông Nam Á thành viên, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, giảm nhẹ nguy cơ do các loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất gây ra.

PV: Thưa ông, thông qua hoạt động triển khai Hệ thống SEAFFGS này, vai trò của Việt Nam trong quá trình xây dựng hệ thống và đóng góp trong các hoạt động quốc tế về KTTV như thế nào?

GS.TS Trần Hồng Thái: Có thể nói, nhiều năm qua ngành KTTV Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng – Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm Khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương….

Các hoạt động nổi bật có thể kể tới như: Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á, Đại diện thường trực của Tổ chức Khí tượng thế giới tại Việt Nam, tổ chức tham gia các cuộc họp quan trọng của Hội động điều hành RAII. Việt Nam thực hiện công tác phát báo quốc tế thường kỳ đảm bảo được nhiệm vụ chia sẻ số liệu tham gia WMO. Chủ động kết nối và thực hiện các chương trình trao đổi với WMO thông qua các công cụ họp trực tuyến nhằm chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ của Việt Nam tại WMO.

Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á. Năm 2017, thông qua cuộc họp lập kế hoạch ban đầu cho Chương trình Hệ thống hướng dẫn lũ quét Đông Nam Á do WMO tài trợ đã được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam với sự tham gia của 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Việt Nam được chấp thuận đại diện là Trung tâm vùng của SEAFFGS và đặt trụ sở tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

Sự kiện trở thành Trung tâm vùng SEAFFGS cho thấy ngành KTTV đã nhận được sự tin cậy của WMO cũng như của các cơ quan KTTV, các đồng nghiệp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đã khẳng định vị thế của ngành KTTV trên phạm vi quốc tế và khu vực. Đây là vinh dự của Tổng cục KTTV Việt Nam khi được đóng góp vào công tác cảnh báo thiên tai cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và cho châu Á nói chung. Trong quá trình triển khai SEAFFGS, Việt Nam cung cấp và chia sẻ các dữ liệu gồm: 10 ra đa, 1500 trạm mưa tự động, bản đồ hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm dự báo cực ngắn dự báo định lượng mưa từ ra đa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF với miền tính bao phủ cho 04 nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Cùng sự tin cậy, niềm vinh dự đó, Tổng cục KTTV nhận thấy trách nhiệm và vai trò rất to lớn của một Trung tâm vùng khi trở thành đầu mối liên kết, đảm bảo quá trình vận hành và duy trì Hệ thống SEAFFGS, hỗ trợ, chia sẻ thông tin cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất tới các các quốc gia thành viên.

Thực hiện vai trò của Trung tâm vùng của SEAFFGS, Việt Nam sẽ đảm nhận trách nhiệm quan trọng gồm: Quản lý 02 máy chủ đặt tại Tổng cục KTTV, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống SEAFFGS để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm Dự báo KTTV tại khu vực Đông Nam Á.

Chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên để cung cấp các đánh giá về sản phẩm của hệ thống, hỗ trợ các nước thành viên trong việc khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…

PV: Thưa ông, để có thể từng bước nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo thiên tai về lũ quét, sạt lở đất, ngành KTTV đã và đang có nhiều giải pháp và đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Vậy thời gian tới, ngành KTTV dự kiến có những hoạt động tiếp theo nào để nâng cao năng lực hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất.

GS.TS Trần Hồng Thái: Dự án SEAFFGS được hình thành với kỳ vọng sẽ cung cấp các công cụ hỗ trợ, giám sát cảnh báo thiên tai lũ quét thông qua các dữ liệu quan trắc tự động, dữ liệu mô hình thời gian thực phục vụ cung cấp các thông tin cảnh báo sớm nhằm giúp cho các cơ quan quản lý, người dân khu vực vùng núi chủ động phòng tránh được những thiệt hại không đáng có.

Tuy nhiên, với đặc thù lũ quét sạt lở đất thường xảy ra trên quy mô nhỏ hẹp, xuất hiện trong thời gian ngắn khi có mưa lớn kích hoạt và ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa phương khác như: địa hình, địa chất, hoạt động kinh tế xã hội của con người trên khu vực nhỏ, được đánh giá là loại hình thiên tai vô cùng khó khăn trong dự báo trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thiên tai lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được vị trí cụ thể xảy ra sạt lở, chỉ có thể cảnh báo nguy cơ theo các mức độ khác nhau tại các khu vực. Hệ thống SEAFFGS hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các vùng nguy cơ, rủi ro có khả năng xảy ra hiện tượng thiên tai lũ quét, sạt lở đất trong phạm vi từ 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, 24 giờ và 36 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.

Để nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhiều nghiên cứu và kế hoạch cần tiếp tục được thực hiện có thể kể tới như: Trong Chiến lược phát triển bền vững Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét với quy mô toàn cầu cũng như SEAFFGS, chú trọng tăng cường sự hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia thành viên, tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lớn, lũ trong khu vực nhỏ thông qua việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia với WMO, giữa chính quyền và địa phương trong công tác chia sẻ dữ liệu địa phương…nhằm tăng cường chất lượng cảnh báo cho hệ thống SEAFFGS nói riêng và công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nói chung trong những năm tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN