Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau sắp xếp, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương có tăng?

Thứ Tư, 22/09/2021 14:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua giám sát chuyên đề “việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021" phải trả lời được câu hỏi: việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 có tinh giản đầu mối, biên chế, đi liền với đó là chi phí, ngân sách giảm hay không? Có nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không?

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 22/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.  (Ảnh: QH)

Theo Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, chuyên đề giám sát sẽ tập trung vào 4 nội dung chính. Đó là, tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong việc xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính, vận động, thuyết phục Nhân dân đồng thuận với phương án sắp xếp, lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính; các kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.  

Cho ý kiến về vấn đề này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 không chỉ căn cứ vào tiêu chí dân số, địa giới hành chính mà cần căn cứ vào đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương đó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, mục tiêu của giám sát phải trả lời được việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 có tinh giản đầu mối, biên chế, đi liền với đó là chi phí, ngân sách có giảm hay không? Có nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không? Thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh của địa phương có được cải thiện hay không? Chỉ số hài lòng của người dân như thế nào?...

Quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cũng phát sinh một số vấn đề như: một xã đạt chuẩn nông thôn mới và chưa đạt chuẩn nông thôn mới sáp nhập với nhau thì sẽ là xã gì? Hay sau sáp nhập, định hướng, quy hoạch phát triển như thế nào. Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ dôi dư ra sao; việc quan tâm, động viên, bảo đảm quyền và lợi ích của các cán bộ này như thế nào? 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát phải làm rõ ưu, nhược điểm của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian tới, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất xác đáng cho giai đoạn tới./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN