Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau chất vấn, mong các Bộ trưởng thực hiện lời hứa!

Thứ Sáu, 18/11/2016 22:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đánh giá của cử tri, dù thời gian làm việc ngắn song các thành viên Chính phủ đã giải đáp được nhiều thắc mắc mà nhân dân gửi đến Quốc hội.

Nhận xét về phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cử tri Phan Khắc Hoan (Bí thư Chi bộ khu dân cư 10, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những vấn đề bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng không ngần ngại chỉ ra những hạn chế của một số Bộ, ngành khi để xảy ra những vấn đề “nóng” thời gian qua. “Thời gian tới, tôi hy vọng Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tham nhũng. Chúng ta không chỉ đấu tranh với các vụ việc tham nhũng lớn mà còn phải đấu tranh với cả nạn “xin – cho”, chạy chức, chạy quyền. Chỉ khi nào bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương loại bỏ được những cá nhân thiếu trong sạch thì khi đó đất nước mới thực sự là của dân, do dân và vì dân”, cử tri bày tỏ.

Cử tri Phan Khắc Hoan (Ảnh: KS)

Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Lê Phương Hoàng (Sơn Trà, Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Theo tôi, với vai trò đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phần trả lời tương đối sát với câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, Thủ tướng đã nêu được quyết tâm trong công cuộc xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân. Đồng thời, Thủ tướng đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng trong việc xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực, nhũng nhiễu để tạo niềm tin cho nhân dân. Tôi mong rằng, từ những giải pháp Thủ tướng nêu ra, bộ máy Chính phủ sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ; công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ để bổ sung kịp thời những người đủ tài, đủ đức phục vụ hiệu quả và đưa đất nước phát triển”.

Cử tri Lê Phương Hoàng nhìn nhận, các câu hỏi đưa ra chất vấn đã phản ánh mong muốn cũng như kiến nghị của cử tri về những vấn đề nổi cộm trong nhiều mặt của xã hội. Cử tri hy vọng sau kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi mọi diễn biến của đất nước để kịp thời kiến nghị, đề xuất lên các cơ quan quản lý Nhà nước những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đánh giá cao phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, song cử tri Lê Bá Quỳnh (Núi Thành, Quảng Nam) đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế trong các buổi chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, cử tri cho rằng một số đại biểu đặt vấn đề còn lan man khiến câu hỏi thiếu trọng tâm, phần trả lời của một số Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương quá dài dòng. “Tôi có cảm giác nhiều câu trả lời các Bộ trưởng chỉ đọc báo cáo chứ chưa cho thấy được tính cầu thị, trách nhiệm của bản thân trong những vấn đề mà xã hội quan tâm. Theo tôi, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, tiết kiệm thời gian, các đại biểu Quốc hội cũng như các Bộ trưởng nên đi thẳng vào vấn đề được hỏi thay vì đưa người nghe đi hết từ văn bản này đến số liệu khác”, cử tri kiến nghị.

Cử tri Đà Nẵng theo dõi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: KS) 

Quan tâm đến thực trạng giáo dục hiện nay, cử tri Đoàn Xuân Thanh (nguyên cán bộ Cảng Đà Nẵng) bày tỏ sự đồng tình với những giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra để cải thiện ngành giáo dục. Cử tri cho rằng, bất cập hiện nay xuất phát chủ yếu từ việc Việt Nam đào tạo quá tràn lan mà không quan tâm đến vấn đề chất lượng đầu ra cho học sinh, sinh viên. “Tôi được biết một số trường đến các tiêu chuẩn để được hoạt động còn không đủ thì hỏi làm sao có thể đào tạo những sinh viên có trình độ và năng lực tốt. Vì vậy tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải siết chặt, thậm chí xóa bỏ các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, bài toán việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng phải được giải đáp thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giữa một bên cung cấp nguồn nhân lực và một bên sử dụng nguồn nhân lực đó”, cử tri nêu ý kiến.

Ông Lê Quốc Hùng (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đánh giá, các phiên chất vấn diễn ra với không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Đặc biệt, việc tổ chức chất vấn có những đổi mới đã tăng cường tính tranh luận, phản biện giữa các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ. Cụ thể, các đại biểu đã mạnh dạn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm rõ trách nhiệm khi để các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng hay vấn đề minh bạch trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Nội vụ…Tuy nhiên, điều quan trọng sau mỗi phiên chất vấn không phải là các Bộ trưởng nói như thế nào mà họ sẽ làm gì để thực hiện các giải pháp, mục tiêu mà mình đã đưa ra để xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của nhân dân./.

Kim Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN