Sạt lở gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở Điện Biên
(ĐCSVN) - Sạt lở gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở Điện Biên; Mưa lũ lớn ở Hà Giang khiến 3 người thương vong; Liên hợp quốc và Thủ tướng Liban kêu gọi Israel và Hezbollah giảm căng thẳng..., là những tin chính diễn ra ngày 25/8/2024.
Sạt lở gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở Điện Biên
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra sạt lở khiến giao thông ách tắc cục bộ.
Đất đá từ ta luy dương sạt xuống lòng đường gây ách tắc giao thông cục bộ tại Km49+050 quốc lộ 279. Ảnh: TTXVN |
Tại Quốc lộ 279 xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ gây ách tắc giao thông. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất của tỉnh Điện Biên, nối địa phương này với tỉnh Sơn La để đi các tỉnh miền xuôi nên có nhiều phương tiện giao thông qua lại.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 (đơn vị quản lý quốc lộ 279 tỉnh Điện Biên) cho biết, trên tuyến đường này hiện có nhiều vị trí tắc lớn tại Km34+420 (khu vực huyện Mường Ảng), Km 49+050, Km278+800, Km33+400 khi cây cối, đất đá từ ta luy dương sạt xuống mặt đường, nước ngập sâu gần 1m khiến các phương tiện khó qua lại. Do trời vẫn có mưa nên hiện công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn. Đơn vị đã huy động máy móc, nhân lực nhằm thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Mưa lớn cũng khiến cho Quốc lộ 12 nối Điện Biên – Lai Châu xuất hiện nhiều điểm sụt sạt. Ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Điện Biên cho biết, trên Quốc lộ 12 đoạn qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên xảy ra 2 điểm sạt lở lớn tại Km160+600 và Km164+750 khiến nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt do tắc cả 2 đầu. Hàng trăm m3 đất đá tràn xuống lòng đường khiến giao thông trên tạm thời tê liệt. Hiện đơn vị đang phân bổ nhiều máy móc để khẩn trương hót sụt sạt, thông tuyến cho các phương tiện có thể đi qua.
Ngoài ra trên nhiều vị trí khác tại Quốc lộ 12 như Km166, Km163+500 cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở nhỏ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Tỉnh lộ 141B từ Quốc lộ 279 đi xã Mường Phăng cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá, cây cối từ ta luy dương sạt xuống chắn ngang lòng đường gây ách tắc giao thông. Các đơn vị quản lý tuyến đã huy động máy móc cùng nhân lực ứng trực, khẩn trương hót sụt sạt, đảm bảo bảo giao thông.
Chiều 25/8, ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 cho biết: Sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục sự cố thiên tai, hiện tuyến Quốc lộ 279 huyết mạch nối tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền xuôi đã được thông tuyến trở lại.
Hà Giang: Mưa lũ lớn khiến 3 người thương vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, do mưa lớn kéo dài nhiều giờ từ đêm 24/8 đến sáng 25/8, trên địa bàn huyện đã xảy ra lũ lớn khiến 3 người thương vong và thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu, các công trình phúc lợi, đường giao thông tại các địa phương.
Hiện trường vụ sạt lở đất làm đổ sập tường nhà tại thị trấn Vĩnh Tuy khiến 2 người bị thương. Ảnh: Báo Hà Giang |
Nạn nhân tử vong là bà Đặng Thị Cá, sinh năm 1975, trú tại xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Hai người bị thương là bà Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1995 và cháu Trần Khánh Linh, sinh năm 2016, trú tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang do sạt ta luy dương gây sập đổ tường.
Mưa lớn trong nhiều giờ cũng khiến hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng do đất, đá sạt lở vào nhà. Nhiều diện tích lúa, ngô, lạc, cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại như ở các xã Vĩnh Hảo, Đồng Yên bị nước lũ dâng cao gây ngập úng cục bộ. Tại xã Kim Ngọc, mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm hư hỏng, gẫy đổ nhiều diện tích cây bồ đề.
Tại các xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, nước lũ dâng cao, tràn vào bờ khiến hàng chục ha ao nuôi cá truyền thống bị ảnh hưởng, thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, điển hình như sạt ta luy dương trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn km 210 + 600 với khối lượng đất đá sạt lở lớn. Tuyến đường từ xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Phúc đi các thôn bản cũng bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn… ước tính ban đầu mưa lũ gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ”; huy động đông đảo cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang, cùng với lực lượng dân quân tự vệ tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do lũ cuốn trôi. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác xuống thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, lo hậu sự cho gia đình có nạn nhân bị chết và 2 người bị thương; kịp thời điều tiết giao thông, phân luồng, chốt chặn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn cho nhân dân và các phương tiện giao thông qua lại; cử các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra, khắc phục hậu quả thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
LHQ và Thủ tướng Liban kêu gọi Israel và Hezbollah giảm căng thẳng
Ngày 25/8, Liên hợp quốc (LHQ) và Thủ tướng Liban đã kêu gọi giảm căng thẳng sau khi Israel tiến hành các cuộc không kích ồ ạt vào Liban và Hezbollah tuyên bố tấn công các vị trí của Israel.
Một tòa nhà tại thành phố Acre, Israel bị hư hại sau khi trúng tên lửa của lực lượng Hezbollah ở Liban ngày 25/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong tuyên bố, Văn phòng Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Liban (UNSCOL) và Lực lượng lâm thời của LHQ tại Liban (UNIFIL) nhấn mạnh những diễn biến ở khu vực biên giới Liban-Israel rất "đáng lo ngại", đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn và kiềm chế hành động làm leo thang căng thẳng hơn nữa. Tuyên bố khẳng định việc chấm dứt giao tranh, sau đó thực thi Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ, là giải pháp duy nhất.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp khẩn với các bộ trưởng của Liban, Thủ tướng nước này, ông Najib Mikati cho biết ông đã tiến hành "một loạt cuộc tiếp xúc với những người bạn của Liban" để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Thủ tướng Liban nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng Nghị quyết 1701.
Nghị quyết 1701 đánh dấu việc chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah hồi năm 2006, vì vậy, hiện có nhiều lời kêu gọi thực thi đầy đủ Nghị quyết trên nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Cũng trong ngày 25/8, Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo nguy cơ hình thành một chiến trường mới tại Liban. Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan và người đồng cấp Iran Abbas Araqchi đã điện đàm để thảo luận tình hình ở Dải Gaza và các diễn biến trong khu vực.
Sáng 25/8, quân đội Israel đã tiến hành không kích ồ ạt nhằm vào các vị trí của Hezbollah ở Liban, tuyên bố đợt không kích này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn của Hezbollah vào lãnh thổ Israel. Bộ Quốc phòng Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 48 giờ, từ 6h sáng 25/8, trong khi Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa Israel (HFC) cập nhật quy định về an ninh, an toàn cho người dân.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết khoảng 100 máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành không kích phá hủy "hàng nghìn rocket và nòng phóng tên lửa của Hezbollah chuẩn bị phóng vào miền Bắc và miền Trung Israel".
Trong khi đó, Hezbollah thông báo đã phóng 320 tên lửa hướng tới 11 vị trí quân sự ở Israel, trong đó có các căn cứ và doanh trại quân đội. Ngoài ra, Hezbollah cũng đưa "số lượng lớn thiết bị bay không người lái" vào các vị trí sâu trong lãnh thổ Israel. Hezbollah tuyên bố đây là "phản ứng ban đầu" nhằm đáp trả vụ ám sát chỉ huy cấp cao của lực lượng này Fuad Shukr ở ngoại ô thủ đô Beirut (Liban) hồi tháng 7 vừa qua.