Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng tạo trong tuyên truyền chủ quyền biển, đảo tại trường học

Thứ Năm, 03/11/2022 20:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thông qua những cách làm hay, sáng tạo, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã đưa những kiến thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến gần hơn với các em học sinh khi xây dựng những mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa trong khuôn viên các trường học trên địa bàn…

Giáo viên Trường THCS Văn Khúc giới thiệu với học sinh về chủ quyền biển, đảo bên cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Hạnh Thúy)

Có mặt tại Trường THCS Văn Khúc, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, chúng tôi khá ấn tượng với hình ảnh các cô giáo trẻ say sưa giảng cho học sinh về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bên cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được xây dựng trong khuôn viên Nhà trường. Theo thầy Nguyễn Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Khúc, từ khi cột mốc được xây dựng tại Trường đã có rất nhiều hoạt động ngoại khóa được tổ chức để giúp thầy, cô giáo và các em học sinh hiểu thêm về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; từ đó nhân lên tình yêu quê hương, đất nước.

Tìm hiểu được biết, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo trong trường học, từ năm 2020 đến nay, với cách làm sáng tạo, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã phối hợp cùng huyện Cẩm Khê xây dựng 27 cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, Cẩm Khê là địa phương có số lượng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa nhiều nhất cả nước. Các công trình có chiều cao 4,2 m tổng diện tích 48,2 m2; phía trên là quốc hiệu nước CHXHCN Việt Nam, tiếp theo là biểu tượng lá cờ Tổ quốc; biểu tượng địa danh, tọa độ địa lý (vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa); cuối cùng là biểu tượng mặt trống đồng thể hiện truyền thống văn hóa và tinh thần đồng lòng, đoàn kết của dân tộc Việt Nam… Hoạt động xây dựng mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa được tuyên truyền rộng rãi, nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các nhà trường; cán bộ, lãnh đạo và nhân dân các xã, thị trấn đóng góp bằng ngày công lao động, tiền mặt, nguyên vật liệu, trị giá trên 500 triệu đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa.

Không chỉ giáo dục các em học sinh về kiến thức chủ quyền biển, đảo và lý tưởng bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc, cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa còn là công trình mở ra nhiều hoạt động hướng về biển, đảo của các cơ quan, đơn vị, trường học ở huyện Cẩm Khê. Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa đã trở thành nơi sinh hoạt chính trị cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường. Tại các cột mốc chủ quyền này, nhiều hoạt động ngoại khóa như tọa đàm, giao lưu, triển lãm tranh chủ đề biển đảo và bộ đội hải quân... được tổ chức. Nổi bật là các hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Học sinh Cẩm Khê hướng về biển, đảo yêu thương”, “Xuân biên giới”, “Tết hải đảo”… được tổ chức thường niên đã thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Bên cạnh đó là các hoạt động phong phú khác như: Triển lãm tranh ảnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và vẽ tranh về biển, đảo; cán bộ, giáo viên và học sinh viết thư, vẽ tranh động viên bộ đội hải quân đang ngày đêm canh giữ ngoài đảo xa; quyên góp ủng hộ quân dân ở đảo xa số tiền hơn 30 triệu đồng cùng hiện vật như nón lá, chè khô… Em Trần Văn Thành, học sinh Trường THCS Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê cho biết: “Với mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa được xây dựng trong khuôn viên Nhà trường, chúng em cảm thấy biển, đảo dường như trở lên gần gũi hơn; cảm thấy “Trường Sa không xa”, để từ đó hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo, cũng như sự vất vả của các chiến sĩ Hải quân đang canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc”.

 Mô hình chủ quyền quần đảo Trường Sa ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) giúp học sinh hình thành tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. (Ảnh:Ngọc Kiên)

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trong các trường học luôn có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp học sinh có được những kiến thức về chủ quyền biển, đảo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Giáo dục biển, đảo cũng nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một trong những thành công lớn nhất của mô hình xây dựng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa ở huyện Cẩm Khê, Tỉnh đoàn Phú Thọ đó là tạo được không gian để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phát huy những kết quả nói trên, hy vọng thời gian tới, mô hình xây dựng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa và những các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong các trường học ở huyện Cẩm Khê sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương nhằm góp phần giáo dục cho học sinh về chủ quyền biên giới, hải đảo bằng hình thức trực quan sinh động. Qua đó, giúp cho các em thêm quyết tâm học tập, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành để góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Phạm Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN