Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả trong năm 2022

Thứ Hai, 28/11/2022 13:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 11.033,8 tỷ đồng, tăng 0,56% so với năm 2021. Bước sang năm 2023, địa phương sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước thực hiện cả năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 11.033,8 tỷ đồng, tăng 0,56% so với năm 2021. Trong đó, nông nghiệp ước đạt 10.132 tỷ đồng, lâm nghiệp ước đạt 121,5 tỷ đồng; thuỷ sản 780,3 tỷ đồng.

Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, sản xuất đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh; đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất. Sản phẩm trồng trọt đã đảm bảo về nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh.

Chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả trong năm 2022 (Ảnh minh họa: B.T) 

Về chăn nuôi, sản xuất phát triển khá; tổng đàn bò sữa, đàn lợn và đàn gia cầm tăng, các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như: Sữa bò tươi, thịt lợn, thịt gia cầm đều tăng so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp; nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển theo hướng công nghiệp trong hầu hết các trang trại chăn nuôi, góp phần quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được thực hiện nghiêm ngặt; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được thực hiện.

Theo đó, sản lượng thịt hơi các loại đạt 125,9 ngàn tấn, đạt 102,2% kế hoạch, tăng 4,74% so với cùng kỳ. Sản lượng sữa bò đạt 54,5 nghìn tấn, đạt 109% kế hoạch, tăng 13,54% so với cùng kỳ; trứng gia cầm đạt 670,2 triệu quả, đạt 107,23% kế hoạch, tăng 7,72%. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được triển khai đúng quy định.

Sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn tăng cao, mưa lớn gây ngập úng đã ảnh hưởng đến các hoạt động của sản xuất song với sự chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực cố gắng của người sản xuất, kết quả sản xuất vẫn đạt khá và tăng so với cùng kỳ. Năm 2022, ước diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6,47 nghìn ha, đạt 99,6% kế hoạch; sản lượng thủy sản đạt 24,02 nghìn tấn, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 1,56%; sản lượng giống thủy sản đạt 3,11 tỷ con các loại, đạt 105,4% kế hoạch, tăng 2,15% so với cùng kỳ.

  Năm 2022, ước diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6,47 nghìn ha (Ảnh minh họa: B.T)

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được duy trì, công tác trồng cây, trồng rừng được thực hiện tốt. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được tiến hành thường xuyên, nhằm bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, duy trì cảnh báo, dự báo cháy rừng trên hệ thống truyền thanh, truyền hình của tỉnh. Các vụ cháy rừng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, do vậy, thiệt hại về tài nguyên rừng đã giảm xuống mức thấp nhất do cháy rừng gây ra. Ước thực hiện cả năm, toàn tỉnh trồng được 700 ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 25%,…

 Công tác trồng cây, trồng rừng được thực hiện tốt (Ảnh minh họa: B.T)

Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bước sang năm 2023, trên lĩnh vực trồng trọt, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện cơ giới hóa, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn, hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương; phát triển sản xuất rau, quả, cây dược liệu… ở những nơi có lợi thế, theo quy hoạch.

Phấn đấu năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 84 nghìn ha; diện tích lúa cả năm đạt 51,7 nghìn ha, năng suất lúa bình quân 59,85 tạ/ha, sản lượng đạt 309,4 ngàn tấn; diện tích ngô cả năm 9,4 nghìn ha, năng suất ngô bình quân 50 tạ/ha, sản lượng đạt 47 ngàn tấn; diện tích cây rau, đậu các loại trên 11 nghìn ha; tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về chăn nuôi, rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế tại địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh, phát triển các cơ sở sản xuất giống và hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường; chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới (về giống, thức ăn, thú y…), công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về thuỷ sản, tiếp tục thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP); tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 6.450 ha; sản lượng thủy sản khoảng 24,8 nghìn tấn; sản lượng giống thủy sản 3 tỷ con các loại; tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, về lâm nghiệp, áp dụng mô hình nông - lâm kết hợp, phát triển cây dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, phối hợp với hoạt động du lịch sinh thái. Tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu ổn định, phát triển các hình thức du lịch gắn với lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung đạt 700 ha, trồng cây phân tán 600 ha; bảo vệ 30.950 ha rừng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 25%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 3,3% so với cùng kỳ năm 2022./.

 

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN