Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sàn vàng có chống được vàng hóa?

Thứ Bảy, 16/07/2016 15:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày qua, khi giá vàng “ dậy sóng”, tâm lý đám đông góp phần đẩy giá vàng cao hơn giá thế giới, thì cuộc tranh luận về đề xuất huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia càng “nóng” lên!

 

Người dân chọn giải pháp mua vàng để cất giữ (Ảnh: vnn.vn)

Sàn vàng hay còn gọi là giao dịch vàng tài khoản, đã từng làm nhiều nhà đầu tư mê hoặc vì lãi suất cao, hứa thưởng nhiều...

Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ tiêu cực, lừa đảo thông qua sàn vàng, ngày 30/12/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức, và chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 30/12/2009, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động.

Tiếp đến, ngày 6/1/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 01 quy định các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài kể từ ngày 6/1/2010.

Sau hơn 6 năm đóng cửa sàn vàng, mới đây khi biết được người dân đang cất giữ khoảng 500 tấn vàng, Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam đề xuất xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Ngoài ra, cũng có chuyên gia kinh tế đề xuất Ngân hàng Nhà nước  đứng ra huy động vàng bằng cơ chế, chính sách, chỉ định hoặc đặt địa điểm ở các cơ sở của ngân hàng thương mại để làm nhiệm vụ huy động vàng của người dân.

Quay lại sàn vàng, tức là trở lại mô hình kinh doanh cũ, đang là vấn đề “nóng”, với nhiều quan điểm khác nhau.

Vàng là tài sản cất giữ trong dân, nếu ngân hàng thương mại, sàn vàng huy động vàng như tiền và USD, thì nguy cơ vàng hóa trong nền kinh tế có thể trở lại.

Nhiều câu hỏi mà chuyên gia kinh tế đặt ra: Nếu huy động vàng thì kỳ hạn bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu và quan trọng nhất là trả lãi bằng cái gì, quy định về rút vàng về ra sao, phòng ngừa rủi ro giá vàng thế nào; nếu phát hành trái phiếu huy động vàng thì liệu người dân có chấp nhận đổi vàng vật chất để giữ một tờ giấy; v.v.

Khi chúng ta đang thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, thì những câu hỏi trên sẽ khó có được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng nhìn nhận ở khía cạnh, nếu vàng đơn thuần chỉ là tài sản cất giữ, không phục phát triển kinh tế, thì sẽ là sự lãng phí lớn.

Vì sao người dân chọn giải pháp cất giữ vàng? Đơn giản là vì thói quen trong nhà phải có “của để dành”, vì đầu tư bất động sản, tài chính, chứng khoán...không còn hấp dẫn như trước đây.

Quy lại sàn vàng như trước đây là việc khó xảy ra, nhưng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, an toàn, để người dân thay đổi thói quen cất giữ vàng, là việc không khó...Tất cả phụ thuộc vào chính sách đúng, trúng, với tầm nhìn dài hạn.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN