Sắc xuân trên những xã nông thôn mới vùng cao Quảng Nam
Thời gian qua, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa. Nguồn: baoquangnam.com.vn
Toàn tỉnh đã có 4 xã miền núi về đích nông thôn mới. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng đời sống mới của chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây. Một mùa xuân mới đang về tô thêm vẻ đẹp cho những bản làng vùng cao nông thôn mới giữa đại ngàn Trường Sơn.
Con đường đất năm xưa nay dẫn vào trung tâm xã Ba thuộc huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) nay đã được trải nhựa phẳng lỳ uốn lượn qua những đồi keo, đồi chè ngút ngàn. Những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió xuân, những chậu hoa mai, hoa cúc khoe sắc rực rỡ ở nhiều ngôi nhà nơi đây như đang nói thay cho niềm vui của đồng bào về cuộc sống mới. Xã Ba có hơn 5.000 nhân khẩu trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ tu. Việc xây dựng thành công nông thôn mới đã giúp đời sống của người dân nơi đây thật sự đổi thay. Cuối năm 2015, xã Ba trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đông Giang. Già làng Đỗ Cao Xoa (67 tuổi) phấn khởi cho biết, “Đồng bào Cơ tu trước đây một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc để giải phóng quê hương. Ngày nay, bà con tiếp tục đoàn kết đi theo Đảng để xây dựng nông thôn mới. Tết năm nay là một Tết rất đặc biệt với từng gia đình vì nông thôn mới là niềm mơ ước bao đời của bà con nay đã trở thành hiện thực”.
Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của xã Ba rất thấp, xã chỉ đạt 5 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 33%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6 triệu đồng/ người/ năm, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, năm 2011 khi được tỉnh Quảng Nam chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân trong xã rất vinh dự nhưng cũng xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, việc phát huy uy tín của các vị già làng, trưởng bản đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao của nhân dân trong xã. Việc thực hiện từng tiêu chí đều được bàn bạc công khai để lấy ý kiến của đảng viên và nhân dân, qua đó đưa ra những giải pháp thực hiện tốt nhất. Với đặc thù ở khu vực miền núi, nhu cầu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, xã đã linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để triển khai xây dựng và huy động sự tham gia ngày công của nhân dân.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài trong đó cốt yếu vẫn là nâng cao đời sống của nhân dân, với thế mạnh về đất đồi rừng, xã Ba đã vận động người dân phát triển trồng cây keo lai, trồng các loại cây ăn quả như cam, chuối, nhân rộng những mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng cũng góp phần thúc đẩy giao thương buôn bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương. Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ở xã Ba hôm nay đã thực sự bước sang trang mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,7%; đường sá, trường học, trạm y tế trên địa bàn xã đều được đầu tư khang trang, đạt chuẩn.
Nằm xa hơn về phía Tây của tỉnh Quảng Nam là xã Lăng. Đây là xã biên giới thứ 2 đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Tây Giang (Quảng Nam). Do đặc điểm địa hình đồi núi dốc nên việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương được bắt đầu bằng việc san ủi tạo mặt bằng tái định cư ổn định cho các thôn. Việc di dời các hộ về những ngôi làng mới cùng với việc thay đổi tập quán sản xuất cũ trước đây của người dân là một việc khó nhưng nay đã được địa phương hoàn thành. Những ngôi làng mới khang trang của đồng bào Cơ tu được xây dựng, tạo nền tảng để quá trình xây dựng nông thôn mới của xã được thực hiện nhanh và bền vững. Hiện nay, 7 thôn của xã Lăng đều có đường ô tô chạy tận đến thôn, 98% dân số của xã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Thực hiện được điều này chính là nhờ đảng bộ và chính quyền nơi đây luôn xác định người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Ông Bríu Hùng, Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết: Việc tuyên truyền để người dân hiểu tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng. Khi người dân đã hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, họ sẽ sẵn sàng đóng góp ngày công, đất đai, hoa màu, di dời nhà cửa để làm mặt bằng tái định cư, xây dựng các công trình dân sinh mà không hề đòi hỏi hỗ trợ, đền bù thiệt hại. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân xã Lăng đạt gần 20 triệu đồng, nhiều gia đình đã có “của ăn của để”. Bên cạnh đó, Công ty Cao su Quảng Nam đã đầu tư trồng 540 ha cao su đại điền trên địa bàn xã, giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho người dân địa phương.
Bức tranh nông thôn mới ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đang dần hiện ra. Một mùa xuân mới đang về như tiếp thêm động lực để đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới vừa văn minh, vừa phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc./.