Rộng mở khả năng tiếp cận tín dụng
(ĐCSVN) - Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm mạnh so đầu năm nay, kể cả đối với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, các ngân hàng kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay. Đặc biệt là khi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Tính đến ngày 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9-6,2% so đầu năm (Ảnh: M.P) |
Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%. Dù không có sự đột biến và vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý III/2023 mới đạt một nửa kế hoạch năm, song ở thời điểm này, tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm mạnh so đầu năm nay, mức giảm áp dụng cả đối với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, các ngân hàng kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay.
Thực tế, theo thông tin từ NHNN, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9/2023 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế. Cụ thể, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước được cải thiện dần trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cho dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.
Trước đó, cũng theo NHNN, tính đến ngày 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9-6,2% so đầu năm, ước đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang dần trở lại. Duy chỉ có cầu vốn cho vay mua nhà vẫn còn thấp. Bởi thị trường bất động sản còn trầm lắng và giao dịch trên thị trường chưa sôi động. So với thời điểm đầu năm nay, hiện lãi suất cho vay mua nhà đã giảm khá nhiều. Lãi suất cho vay mua nhà bình quân, nếu tính khuyến mãi thì đâu đó khoảng 7-8%/năm, còn nếu không khuyến mãi thì vào khoảng 10%/năm. Mức lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã ngang bằng với thời kỳ trước dịch COVID-19 nên không thể nói là quá cao. Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ còn giảm thêm, song mức giảm sẽ không mạnh so mấy tháng trước, vì lãi suất đã giảm sâu.
Về nguyên nhân của việc mặc dù tín dụng khó tăng, song ngân vẫn tăng huy động, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ngân hàng đang chuẩn bị tốt cho thanh khoản để đáp ứng cầu vốn trở lại khi tình hình kinh tế khởi sắc trở lại và thị trường đang dần tích cực. Đơn cử như với OCB, tăng trưởng tín dụng của OCB đến cuối tháng 9/2023 đạt mức 11% và với diễn biến thị trường trong những tháng cuối năm OCB đang từng bước thực hiện mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng 13-14% theo mức hạn mức đã được NHNN cấp.
Tương tự, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB cũng đang có xu hướng hồi phục trở lại đạt 7% tính đến cuối tháng 8/2023 và dự kiến cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14%. Với hạn mức tín dụng được NHNN phê duyệt 14,5% cho năm nay, ACB sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu và công ty sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kèm các gói dịch vụ khác. Bên cạnh thế chấp, ACB đang đẩy mạnh cho vay tín chấp, chẳng hạn như xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường, có thể thế chấp bằng dòng tiền. Doanh nghiệp có thể đưa dòng tiền vào, chúng tôi quản lý dòng tiền xuất khẩu của doanh nghiệp, đây là hình thức vay thế chấp dòng tiền, hay nói cách khác là vừa ưu đãi, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Nỗ lực là vậy, tuy nhiên khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 của nhiều tổ chức tín dụng là rất khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ đạt mức khoảng 11-12% so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra là 14%. Sở dĩ tín dụng tăng trưởng thấp năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu nên cầu vốn của doanh nghiệp và cá nhân giảm. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) cũng giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn.
Sau nhiều lần nỗ lực giảm lãi suất, hiện lãi suất được cho không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng kỳ vọng sự song hành của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trong những tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực lên nhu cầu tín dụng.
Mới đây, ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành.
Tại hội nghị, lãnh đạo NHNN cho biết, đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Thời gian tới, theo lãnh đạo NHNN, để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cùng với đó, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng.