Riêng một làn đường, bus nhanh BRT đã thực sự hiệu quả?
(ĐCSVN) – Mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị vừa có đề xuất về việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe bus nhanh BRT cho các phương tiện khác hoạt động. Tuy mới là đề xuất , nhưng thông tin này đang nhận được nhiều ý kiến trong dư luận.
Cụ thể, Trung tâm đề xuất TP. Hà Nội cho phép các tuyến xe bus thường được sử dụng làn đường dành riêng của tuyến bus nhanh BRT (bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) từ 4h sáng đến 23h hàng ngày. Ngoài ra, các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h sáng ngày hôm sau.
Trước những thông tin trên, nhiều người dân bày tỏ sự tán thành với việc cho phép các loại phương tiện sử dụng làn đường BRT để đi lại. Bởi trên thực tế, nhiều người dân đi lại trên tuyến đường Tố Hữu (tuyến BRT 01) hàng ngày không khỏi vất vả với việc hàng đoàn dài các loại phương tiện phải thường xuyên “xếp hàng” chờ di chuyển, trong khi ngay bên cạnh làn đường ưu tiên dành cho xe bus nhanh thì... trống vắng.
Bày tỏ quan điểm về việc này, anh Lê Hồng Tiến, cư dân sống tại khu đô thị Dương Nội - Spark chia sẻ: “Sáng nào đi làm tôi cũng gặp tình cảnh này. Cứ tới gần những khu vực giao cắt trên dọc tuyến đường đường Tố Hữu là hàng đoàn dài các xe xếp hàng dài tới hàng trăm mét để chờ di chuyển. Trong khi làn đường dành cho xe bus nhanh thì lại trống, thỉnh thoảng mới có xe chạy qua. Như vậy liệu có bất cập khi làn đường BRT không được khai thác tối đa hiệu quả, trong khi các phương tiện khác thì phải xếp hàng để chờ di chuyển?”.
Cùng quan điểm trên, chị Đoàn Thanh Hương (Vạn Phúc – Hà Đông) cũng nêu ý kiến: “Từ ngày đưa dự án BRT vào khai thác trên dọc tuyến đường Tố Hữu thì việc đi lại trong phần đường còn lại của người dân là rất khó khăn. Do không được đi vào làn đường BRT nên các phương tiện 4 bánh tràn sang cả 2 làn đường còn lại. Người đi xe máy đành phải đi cả lên vỉa hè để di chuyển. BRT là chủ trương đúng đắn và mang tầm vóc lâu dài. Tuy nhiên về ngắn hạn khi nó chưa đáp ứng được đa phần nhu cầu của người dân thì cơ quan quản lý cũng nên xem xét các phương án khác nhau để người dân có thể đi lại thuận tiện hơn bằng các loại phương tiện khác ngoài xe bus nhanh”.
Được đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017, tuyến xe bus nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa (BRT 01) có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7km. Theo khảo sát, hiện nay, mỗi ngày tuyến bus nhanh này hoạt động với tần suất 362 lượt, riêng với các ngày lễ là 264 lượt. Lượng khách trung bình mỗi xe bus nhanh chỉ có khoảng 34 người, cao nhất chưa tới 48 người, trong khi mỗi chiếc có sức chứa 90 hành khách.
Sau hơn một năm đưa vào vận hành, theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sản lượng hành khách vận chuyển được 4,98 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt khách/ngày. Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 khách/lượt, trong đó khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 khách/lượt, bình quân giờ bình thường đạt 30,7 khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 khách/lượt.
Là một hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt nhanh này, ông Trần Văn Toàn (La Khê, quận Hà Đông) cho biết, chuyện chỉ có một vài hành khách đi trên những chiếc xe bus được dành riêng một làn đường này là rất bình thường. Thậm chí vào giờ cao điểm, nhiều chuyến cũng chỉ có 40-50 người.
Ông Toàn chia sẻ, sở dĩ ông đi xe buýt nhanh là vì ông đã nghỉ hưu, việc đi làm của ông bây giờ không gò bó về thời gian, chứ còn làm việc ở công sở thì không thể đi bằng phương tiện này. Ngoài ra, nếu tính tổng chi phí tiền gửi xe máy ở đầu bến, tiền vé xe và thời gian để hoàn thành chuyến đi, mặc dù gọi là xe bus nhanh, nhưng không nhanh hơn và không rẻ hơn đi bằng xe máy.
"Ngoài chi phí gửi xe khi đi đến điểm nhà chờ, để di chuyển vào tới nhà chờ cũng là việc khá khó khăn và mất thời gian khi tôi phải đi cả đoạn đường dài tới điểm sang đường, sau đó tiếp tục đi cả quãng đường khá xa mới vào tới nhà chờ xe buýt. Như vậy là khá bất cập. " - ông Toàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), sau 1 năm chính thức đi vào vận hành, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận chuyển được gần 5 triệu lượt hành khách. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%. Vận tốc chạy xe ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng, ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông. Theo khảo sát của Trung tâm, đa phần hành khách hài lòng và đánh giá cao chất lượng dịch vụ của tuyến BRT đầu tiên này.
Cũng theo ông Hải, để nâng cao hiệu quả và năng lực của tuyến BRT, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đang tổng hợp, rà soát tuyến để chuẩn bị cho một số đề xuất trong thời gian tới. Ngoài đề xuất xén hè để di chuyển 10 điểm dừng xe bus tiếp cận với nhà chờ BRT nhằm giảm khoảng cách đi bộ của hành khách, Trung tâm cũng đề xuất cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT; bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT. Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT, tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT...
Có thể thấy, với mục đích đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, loại hình vận tải cộng cộng bus nhanh BRT đã được đưa vào khai thác và sử dụng trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, loại hình này cũng có những bất cập nhất định. Đáng chú ý, mặc dù hiệu quả chỉ cao hơn so với xe buýt thường rất ít thời gian, nhưng xe bus nhanh lại chiếm tới 1/3 diện tích lòng đường. Điều này gây ra không ít những khó khăn cho việc di chuyển của các loại phương tiện còn lại.
Có thể thấy, trước những ý kiến của người dân, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xem xét để tạo sự thuận tiện cho người tham gia giao thông, tránh lãng phí về thời gian và tiền của./.