Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

RCEP dự kiến sẽ giúp GDP Nhật Bản tăng thêm 2,7%

Thứ Hai, 08/11/2021 17:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Chính phủ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản hoan nghênh và chờ đón Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm sau, đồng thời nhấn mạnh, RCEP dự kiến sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng 2,7%

 RCEP là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
(Ảnh: Global Times)

Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh việc RCEP sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau và bày tỏ hy vọng Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của nước này và khu vực thông qua việc tăng cường hơn nữa liên kết giữa Nhật Bản và khu vực được coi là trung tâm tăng trưởng của thế giới.

RCEP là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này tình theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong khi Hàn Quốc là đối tác lớn thứ ba.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, Nhật Bản hoan nghênh và chờ đón RCEP có hiệu lực vào đầu năm sau, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tối đa hóa lợi ích từ hiệp định thương mại quan trọng này.

Theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, RCEP có hiệu lực sẽ giúp GDP của nước này tăng khoảng 2,7%, tương đương 15.000 tỷ yen (132,82 tỷ USD), gấp đôi so với mức tăng GDP nhờ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với khoảng 8.000 tỷ yen (70 tỷ USD). Đồng thời, RCEP cũng giúp tạo thêm 570.000 việc làm cho người dân tại quốc gia này.

RCEP là một Hiệp định thương mại tự do được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 5 đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

RCEP sẽ tạo ra một thị trường thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 2,3 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 28.500 tỷ USD trong năm 2020. Giá trị thương mại của các nước tham gia RCEP cũng đã đạt hơn 10.700 tỷ USD, tương đương 30,3% tổng giá trị thương mại trên toàn cầu vào năm ngoái. Theo quy định, Hiệp định này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 đối tác phê chuẩn.

Tính đến nay, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận được văn kiện phê chuẩn từ 6 quốc gia thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như từ 4 quốc gia ký kết là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Điều này có nghĩa là Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022./.

H.Hà (Theo Reuters, Nikkei)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN