“Rác thải nhựa” từ sản xuất nông nghiệp: mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người
(ĐCSVN) – Lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng nhiều là một trong những vấn đề đáng báo động với nền sản sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự quan tâm, những giải pháp cấp bách để giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những vấn đề khủng hoảng môi trường lớn trong tương lai không xa.
Người dân phun thuốc trừ sâu |
Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đang tạo ra áp lực lớn cho môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt (nilon, bao bì) xấp xỉ 661,5 nghìn tấn/năm. Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 67,93 triệu tấn; 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 880 nghìn tấn bùn thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Đây là những con số thống kê tạo lo ngại đến mức báo động về lượng rác thải nhựa trong nông nghiệp thải ra môi trường mỗi năm. Quá trình chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lí nào. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người. Các loại chai lọ, bao bì, túi nilon chứa thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất tẩy rửa, phân bón... sau khi được sử dụng không được thu gom, xử lý theo đúng quy trình đã phát tán ra môi trường, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Theo ước tính, khi người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 98% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 2% còn lại vẫn còn tồn dư hóa chất trong bao bì sau sử dụng. Phần tồn dư này bay vào không khí hoặc thẩm thấu gây ô nhiễm đất, nước.
Luật Bảo vệ môi trường quy định: Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Thế nhưng, khâu thu gom, xử lý rác thải nhựa trong ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và chưa được xử lý triệt để. Thậm chí, 30% bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom. Số bể chứa ngoài đồng ruộng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thu gom rác thải nhựa.
Không thể phủ nhận độ tiện dụng mà đồ nhụa mang lại cho cuộc sống con người nên chúng đã hiện diện ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Từ những vật dụng nhỏ bé hàng ngày như: túi nilon, ống hút , hộp đựng thực phẩm... Thế nhưng, đằng sau sự tiện dụng đất là một mối nguy hại cho cả thế giới loài người.
Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được chôn lấp, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đang phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái biển và suy giảm đa dạng sinh học biển.
Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động quản lý chất thải nhựa, thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng chủ động thu gom rác thải nhựa, sử dụng bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần; giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái...
Môi trường biển đang bị rác xâm chiếm |
Để giảm thiểu rác thải nhựa, chắc chắn các lĩnh vực từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản... sẽ cần rất nhiều các giải pháp cả về chính sách và kỹ thuật để hạn chế tác động của rác thải nhựa đến môi trường. Nhưng rõ ràng, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của mỗi người tham gia sản xuất nông nghiệp sử dụng đúng cách các sản phẩm có bao bì nhựa, có ý thức thu gom và xử lý rác thải nhựa đúng quy định.
Song song với đó, chính quyền các địa phương cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư, bố trí nguồn lực, kinh phí đáp ứng yêu cầu cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư vào xử lý rác thải, gắn trách nhiệm của cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường.