Quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km, để khu vực này có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.
Toàn cảnh buổi họp. (Ảnh: Kim Xuyến) |
Trước đó, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản).
Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công, trong đó dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã khởi công dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong tháng 7/2024; dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 98,9%; dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 99,9%; dự án Cao Lãnh - An Hữu: Thành phần 1 - tỉnh Đồng Tháp đạt 99,7%, thành phần 2 - tỉnh Tiền Giang đạt 82%; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18% (khởi công tháng 3/2024).
Về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và dự án Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027. Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành và các địa phương khu vực ĐBSCL và vùng lân cận đã báo cáo tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc và các đề xuất kiến nghị liên quan đến các dự án. Trong đó, khó khăn gặp phải là nếu trong tháng 7/2024 công tác giải phóng mặt bằng không giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ các dự án và các vấn đề liên quan đến tiến độ huy động, cung ứng nguyên vật liệu; mở các nút giao, kết nối các tuyến cao tốc… Các Bộ, ngành, địa phương cam kết tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để các dự án được triển khai thuận lợi, đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, cảm ơn và đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực tích cực, tinh thần làm việc hết sức mình biến quyết tâm chính trị và thống nhất nhận thức cao thành hành động quyết liệt vì công việc của các Bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án; trân trọng sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế; cảm ơn và biểu dương những gia đình, người dân, cộng đồng đã tích cực hỗ trợ, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công các dự án.
Sau 3 năm tích cực triển khai bước đầu đã hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc, định hướng phát triển mạnh mẽ bao trùm hệ thống hạ tầng giao thông, toàn diện tại ĐBSCL theo đúng tinh thần đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km, để ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.
Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực và thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án; thường xuyên phối hợp với các địa phương có nguồn vật liệu để kiểm soát tình hình cung ứng và chủ động giải quyết ngay tại chỗ những vướng mắc phát sinh nếu có.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư và nhà thầu để tham gia thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ nhằm tạo thêm công ăn việc làm và sinh kế cho người dân. Thủ tướng nhấn mạnh rằng: "Các địa phương không để ban quản lý dự án, nhà thầu, các kỹ sư và công nhân cảm thấy cô đơn trên các công trường rộng lớn hiện nay, mà những nơi đó sẽ trở thành các công trình hiện đại trong tương lai."
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, bảo đảm điều kiện sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp để duy trì an ninh trật tự trên địa bàn và tại các công trình xây dựng. Thủ tướng cũng lưu ý đến việc triển khai đầu tư vào các tuyến đường kết nối với cao tốc, khu công nghiệp và khu đô thị để nâng cao hiệu quả công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng và nhiệm vụ của mình, bảo đảm tiến độ dự án, kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng công trình, đồng thời duy trì cảnh quan, môi trường và an toàn lao động trong quá trình triển khai và khi đi vào khai thác.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng rằng các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu, sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động và tích cực trong công tác chỉ đạo. Với nỗ lực không ngừng và sự tập trung cao độ của các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và người lao động tại các công trường, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng rằng các dự án cao tốc sẽ hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí vượt tiến độ, và đảm bảo chất lượng. Điều này không chỉ mang lại một diện mạo mới mà còn mở ra cơ hội và không gian phát triển rộng lớn cho vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước./.