Quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam
(ĐCSVN) - Đoàn công tác của EC chuẩn bị có đợt thanh tra lần thứ 4 tại Việt Nam nhằm kiểm tra tình hình, đánh giá các kết quả thực hiện các yêu cầu về chống khai thác IUU. Đây là khoảng thời gian đòi hỏi chúng ta cần tập trung cao độ để quyết tâm tháo gỡ được thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho bà con ngư dân (Ảnh: Phạm Minh Hà) |
Sau hơn 6 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), tính đến nay, về phía Việt Nam đã có nhiều rất nhiều nỗ lực và chuyển biến tích cực.
Điều này có thể thấy qua việc quan tâm tháo gỡ thẻ vàng, chống khai thác IUU đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ Trung ương đến địa phương. Rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đã được ban hành, triển khai thực hiện; nhiều hội nghị, cuộc họp được tổ chức nhằm bàn các giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản của Việt Nam.
Điều này có thể thấy thông qua việc, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương. Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của Liên minh Châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, Quyết định và các văn bản khác để chỉ đạo về việc tháo gỡ thẻ vàng, chống khai thác IUU. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp trực tuyến với các Ban, Bộ, ngành Trung ương có liên quan và địa phương; chỉ đạo trực tiếp đến cấp xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã có biển của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Bộ NN&PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, các Đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.
Không chỉ có sự quan tâm từ cấp Trung ương, tại các địa phương đã tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Rất nhiều các hoạt động được triển khai như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao trong chống khai thác IUU,…
Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã minh chứng cho việc Việt Nam luôn nỗ lực và triển khai bằng các hành động cụ thể để quyết tâm tháo gỡ được thẻ vàng của EC, đồng thời, góp phần thực thi pháp luật về Thủy sản và xây dựng nghề cá có trách nhiệm.
Thực tế, những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy Việt Nam đã tiếp thu và nghiêm túc trong triển khai các khuyến nghị của EC.
Tiêu biểu, về quản lý đội tàu, thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase và ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15 m lên thành tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên từ ngày 20/12/2022; tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.
Kết quả rà soát đến ngày 29/8/2023 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).
Đáng chú ý, về vấn đề theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển.
Tính đến ngày 29/8/2023, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,86%. Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý.
Đối với công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đã được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA), cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trong đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra, vào cảng, công tác xác nhận tại các cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Đặc biệt, trên cơ sở khuyến cáo của Đoàn Thanh tra Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Ủy ban châu Âu) tại đợt thanh tra tháng 6/2023 và kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT đối với điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ đã gửi Cơ quan thẩm quyền EU đưa tên Công ty TNHH T&H Nha Trang ra khỏi danh sách Doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU.
Ngoài ra, trong thời gian qua, đã đưa ra khỏi danh sách Cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đối với Cảng cá Cơ khí tàu thuyền và Cảng cá Hưng Thái của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến việc thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định.
Không chỉ vậy, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và thanh tra thủy sản) tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước nhằm theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển,…
Nhìn nhận về những kết quả đạt được trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng thời gian qua, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay, về mặt quy định của pháp luật, chúng ta đã hoàn thiện. Đồng thời, hiện nay, chúng ta đã chỉ rõ cho các địa phương đang vướng mắc điều gì để tháo gỡ nhằm chuẩn bị cho đợt làm việc của EC trong đợt thanh tra lần thứ 4 sắp tới.
Theo ông Dương Văn Cường – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, Trung ương, các Bộ, ngành liên quan và 28 địa phương đã nỗ lực rất nhiều cho chống khai thác IUU. Việc gỡ thẻ vàng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc thanh tra của EC tại Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những vấn đề mà Đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra ở lần kiểm tra thứ ba, chúng ta đã thể hiện sự nghiêm túc nhất trong việc thực hiện các khuyến nghị. Những hành động của chúng ta trong thời gian qua đã được EC ghi nhận đã có những chuyển biến tích cực.
Dự kiến, từ ngày 10-18/10, EC sẽ có đợt thanh tra lần thứ 4 tại Việt Nam về công tác chống khai thác IUU. Trong đợt làm việc lần này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến các khuyến nghị của đợt thanh tra lần thứ 3.
Hiện nay, riêng về phía Bộ NN&PTNT và các địa phương đã chuẩn bị rất tích cực cho cuộc làm việc lần này.
Thực tế, trước đợt thanh tra lần thứ tư của EC, Bộ NN&PTNT – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã có nhiều đề xuất, chỉ đạo tới các địa phương. Trong đó, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh trong chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản; chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong thi hành công vụ, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm khai thác IUU,…
Trên thực tế, để tháo gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản của Việt Nam, ngoài sự sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành, điều quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện, nhất là tại các địa phương. Bởi những kết quả triển khai tại các địa phương mang yếu tố quyết định tới việc được tháo gỡ thẻ vàng hay không?.
Để chuẩn bị tốt nhất cho đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ tư, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, để từ đó, tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt. Qua đó, không chỉ góp phần chống khai thác IUU mà còn góp phần xây dựng nghề cá của nước ta phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 916/CĐ-TTg ngày 4/10 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4. Trong đó, có nội dung: Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.
Với tinh thần cao nhất để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ tư, cũng như những quyết tâm, nỗ lực và những kết quả đạt được của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ sớm tháo gỡ được thẻ vàng trong thời gian sớm nhất./.