Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm

Thứ Năm, 11/05/2023 20:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn.

 Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 11/5, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.

Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Kiểm điểm trách nhiệm 70 tập thể, 156 cá nhân để xảy ra sai phạm

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành 80 văn bản; xây dựng 15 chuyên đề triển khai thực hiện Chương trình. 100% quận, huyện, thị ủy, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Một số cấp ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 3.208 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Triển khai các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí, thành phố đã ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương, đơn vị ban hành 39 văn bản; tiến hành 1.215 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.154 trường hợp. Qua kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, xử lý kỷ luật 72 trường hợp.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; công tác kiểm tra, giám sát đạt nhiều kết quả. Trong đó, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra đối với 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên. Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai 691 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử phạt 105,9 tỷ đồng.

Thành ủy đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại 8 đơn vị. Đồng chí Bí thư Thành ủy tổ chức 24 buổi đối thoại và tiếp công dân theo quy định. Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã tiếp nhận, giao Ban Nội chính Thành ủy nghiên cứu, tham mưu, xử lý 14.933 đơn (chuyển cơ quan giải quyết theo thẩm quyền 3.912 đơn, lưu đơn theo quy định 11.021 đơn). Các cơ quan đã tiếp 45.686 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 66.038 đơn các loại; thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền 5.806/6.879 vụ khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 70 tập thể, 156 cá nhân để xảy ra sai phạm; kiến nghị thu hồi 240 triệu đồng và 5.183m2 đất, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 11 vụ việc…

Tại Hội nghị, các ý kiến thảo luận đã làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU. 

Tại Hội nghị, các ý kiến thảo luận đã làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU.

Giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện; thận trọng, bài bản và đi vào chiều sâu; đạt nhiều kết quả quan trọng. Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như tính nêu gương của người đứng đầu và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa quyết liệt; chưa tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một số cơ quan, đơn vị chậm cải cách thủ tục hành chính, chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; chậm xây dựng hoặc chậm sửa đổi quy chế, quy trình xử lý công việc; dẫn đến chưa cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, chưa minh bạch hóa quá trình giải quyết công việc, nhất là việc giải quyết hồ sơ, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; tạo bức xúc cho xã hội, tạo kẽ hở, dễ phát sinh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị. 

Đáng chú ý công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, phần lớn là không tự phát hiện ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện nhiều sai phạm, nhưng phát hiện để chuyển cơ quan điều tra các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực chưa nhiều…

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp của thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục và quyết liệt triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trên.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của thành phố, đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; gắn với thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu phải tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đặc biệt, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn…/.

 

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN