Quyền hình ảnh của trẻ em trên không gian mạng
(ĐCSVN) - Vì sao phải bảo vệ bí mật riêng tư, hình ảnh của trẻ em? Hiểu theo nghĩa đơn giản, trẻ em là đối tượng rất dễ bị lợi dụng, xâm hại... nhưng lại chưa đủ khả năng và nhận thức để tự bảo vệ mình. Nếu không bảo vệ trẻ em từ sớm, tương lai các em sẽ bị ảnh hưởng khi bí mật riêng tư, hình ảnh từ quá khứ được công khai trên không gian mạng.
Để bảo vệ quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, Luật trẻ em 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017) quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Ngoài ra, Luật trẻ em còn nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Với những quy định nêu trên, thì người lớn nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng không được tùy tiện đưa hình ảnh trẻ em, đặc biệt là những bức ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội, facebook.
Đây là vấn đề mới ở Việt Nam, nhưng không mới so với nhiều nước trên thế giới. Ở Pháp, cha mẹ có thể bị phạt đến 45.000 Euro và một năm tù vì đăng những tấm ảnh thời bé thơ của con.
Vì sao phải bảo vệ bí mật riêng tư, hình ảnh của trẻ em? Hiểu theo nghĩa đơn giản, trẻ em là đối tượng rất dễ bị lợi dụng, xâm hại... nhưng lại chưa đủ khả năng và nhận thức để tự bảo vệ mình. Nếu không bảo vệ trẻ em từ sớm, tương lai các em sẽ bị ảnh hưởng khi bí mật riêng tư, hình ảnh từ quá khứ được công khai trên không gian mạng.
Không cần truy xét về động cơ, nhưng chắc chắn không ai chấp nhận việc đưa toàn bộ thông tin cá nhân của trẻ em, hình ảnh trẻ em không mặc quần áo, trẻ em bị dị tật, trẻ em bị bạo hành... lên các trang báo, mạng xã hội, facebook.
Nhiều khi cha mẹ đưa hình ảnh con lên mạng đơn giản là để thể hiện sự tự hào về con, muốn khoe với bạn bè. Nhưng không gian mạng “vừa thực, vừa ảo” nên phải cảnh giác, không vì cảm tính và tâm lý đám đông. Thực tế cho thấy, đã có những phần tử xấu chuyên tìm kiếm thông tin mạng để thực hiện những hành vi vô nhân tính với trẻ em.
Quyền của trẻ em được pháp luật thừa nhận và bảo hộ, nhưng để thực thi quyền này cũng là thách thức lớn. Cha mẹ là người giám hộ cho con thực hiện việc khởi kiện hoặc tố cáo hành vi vi phạm với con mình thì rất đơn giản, nhưng khi cha mẹ vi phạm, cơ chế nào để bảo đảm quyền lợi của con tại Tòa án hoặc cơ quan hành chính? Vẫn biết, ngoài cha mẹ, còn rất nhiều tổ chức thực hiện việc giám sát, bảo vệ quyền trẻ em, nhưng tâm lý “đèn nhà ai người ấy rạng” ít nhiều cũng làm cho nhiều người e ngại...
Luật pháp dù có nghiêm khắc đến đâu vẫn chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là tình yêu thương và trách nhiệm vô bờ bến của các bậc cha mẹ; trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội.
Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, không phải bằng khẩu hiệu, mà là những hành động cụ thể ngay từ khi trẻ em vừa chào đời.
Ngoài sự bảo hộ về mặt pháp lý, tương lai tốt đẹp của trẻ em phần nhiều được tạo dựng từ nền tảng đạo đức, văn hóa của gia đình, nhà trường, xã hội./.