Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyền con người là cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ Năm, 07/09/2023 20:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong các trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc, cùng với hòa bình, an ninh và phát triển.

Hội đồng Nhân quyền là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc; là cơ chế quan trọng nhất của Liên hợp quốc về quyền con người, có nhiệm vụ thảo luận tình hình về quyền con người trên phạm vi toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị đến các quốc gia cũng như báo cáo trình Đại hội đồng Liên hợp quốc vấn đề vi phạm quyền con người…

Trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền là cơ hội quan trọng để tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia.

Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: UN) 

Trong cuộc bầu chọn thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam được các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ trở thành ứng cử viên duy nhất trong khu vực để tranh cử và đã nhận được tín nhiệm cao của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để trúng cử trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Trước đó, trong nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc tái cử vào Hội đồng Nhân quyền là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm của quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua; bác bỏ một cách thuyết phục những luận điệu của các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài xuyên tạc về tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Cộng hoà Séc về sự kiện này, ông Milos Kusy - Chủ tịch Hội Hữu nghị Séc - Việt, nói: “Đây là một minh chứng rõ ràng cho những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, cũng như phản ánh rõ những điều kiện sống đang ngày càng được cải thiện của người dân Việt Nam”.

Ông Milos Kusy nhấn mạnh: “Trước hết, tôi nhận thấy đó là sự phát triển nhanh chóng của nền giáo dục của các bạn. Việt Nam hiện đang trở thành quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ thông tin nhờ vào chất lượng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo ở nhiều bậc học khác nhau tại Việt Nam. Một thành tựu đáng kể khác của Việt Nam đó là sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc y tế. Tôi được biết Việt Nam có nhiều cơ sở y tế đạt các tiêu chuẩn rất cao… Một thành công khác của Việt Nam, theo tôi, đó là chất lượng môi trường, một lĩnh vực mà Việt Nam đang làm rất tốt… Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy Việt Nam rất tích cực trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền được sống hòa bình”.

Các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần đưa tuổi thọ trung bình của các dân tộc thiểu số tiến khá gần tới mức chung của cả nước

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. 

Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, trong đó có nghĩa vụ nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung công ước; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước; xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người. 

Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt trong các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc bảo đảm và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. 

Việt Nam cũng là thành viên có trách nhiệm, luôn ủng hộ các chương trình phát triển của Liên hợp quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án tại Việt Nam, nhất là các dự án nhằm tăng cường vai trò cũng như bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có người dân tộc thiểu số.

Sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong các cam kết nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã giúp chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam tăng 45,8% vào năm 2020, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trường HDI cao nhất thế giới.

Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia năm 2019 lên 115/191 quốc gia năm 2021. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2022, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2021, xếp thứ 77/hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 4,4% năm 2021…

 bà Ramla Al Khalidi - Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tham quan triển lãm ảnh tư liệu về dân tộc thiểu số (ảnh: TQ)

Trong các thành tố chính để tính chỉ số phát triển con người của một quốc gia, một vùng, một địa phương hay một dân tộc thì tuổi thọ trung bình từ lúc sinh là một trong những chỉ tiêu quan trọng.

Về chỉ tiêu này, theo kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tuổi thọ trung bình của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam là 70,7 tuổi (nam 68 tuổi, nữ 73,7 tuổi). So với năm 2014, khi tiến hành cuộc điều tra lần thứ nhất thì tuổi thọ trung bình của 53 dân tộc thiểu số đã tăng lên 0,8 năm. Kết quả này phản ánh hiệu quả của các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua đã góp phần đưa tuổi thọ trung bình của các dân tộc thiểu số tiến khá gần tới mức chung của cả nước (73,6 tuổi).

Có được những thành quả nêu trên là do Việt Nam đã nỗ lực trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Việt Nam, bà Ramla Al Khalidi - Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nêu rõ: “Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện được những cam kết của Chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của Liên hợp quốc. Đây là cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc cốt lõi là không bỏ ai lại ở phía sau”. 

Trần Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN