Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyền bầu cử và ứng cử của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Thứ Ba, 12/09/2023 10:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Quyền về chính trị, bầu cử và ứng cử là một trong những quyền con người cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Ở Việt Nam, tất cả mọi cử tri, bao gồm cử tri của 53 dâ tộc thiểu số, đều được tạo mọi điều kiện thực hiện đầy đủ những quyền này.

Nội luật hoá quy định này của Công ước (CERD), Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã quy định tại Điều 14: “1. Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”.

Tại Điều 16, Hiến pháp 2013 đề ra nguyên tắc: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội”.

Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với trên 14,1 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng, sinh sống đan xen với người Kinh (dân tộc đa số) ở 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện, 5.468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới.

Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có quyền về bầu cử, ứng cử. Nhìn vào kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức năm 2021 sẽ thấy rõ điều đó.

Cử tri đồng bào Êđê buôn Ako Dhong (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk )đi bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp (Ảnh: Dương Giang) 

Ở Việt Nam, Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, được Nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.

Do vậy, đại biểu Quốc hội là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải là những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Quốc hội là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là biểu trưng sức mạnh trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam.

Tương tự như vậy, ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp gồm các đại biểu do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Với tính chất quan trọng như vậy nên cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội rất đa dạng, gồm đại diện cơ quan Trung ương, cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Qốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, lực lượng vũ trang, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; đại biểu Quốc hội ở địa phương. Trong cơ cấu hướng dẫn, luôn quan tâm phân bổ hợp lý số người dân tộc thiểu số bên cạnh các yếu tố như là phụ nữ, ngoài Đảng, trẻ tuổi, tự ứng cử.

Theo danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước được Văn phòng Quốc hội công bố chiều ngày 27/4/2021, cơ cấu người dân tộc thiểu số là 163 người, chiếm tỷ lệ 24,51%.

Các ứng viên người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều được tập huấn kỹ năng vận động tranh cử thông qua những chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia có nhiều năm hoạt động tại nghị trường; được trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế như trình bày chương trình hành động trước cử tri, trước truyền hình và các cơ quan báo chí, trả lời trực tiếp các câu hỏi của cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri… Những lớp tập huấn như vậy giúp ứng viên trau dồi thêm bản lĩnh và kỹ năng vận động bầu cử, đặc biệt là đối với những ứng cử viên trẻ.

Kết quả là lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số trúng cử, đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu. Đó là đại biểu Tao Văn Giót, sinh năm 1990, dân tộc Lự, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Lai Châu và đại biểu Nàng Xô Vi, sinh năm 1996, dân tộc Brâu, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum.

Đáng chú ý trong số các đại biểu trúng cử thì đại biểu trẻ tuổi nhất là chị Quàng Thị Nguyệt, sinh ngày 1/11/1997, dân tộc Khơ Mú, ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Chị Nguyệt là nông dân, người ngoài Đảng, được Hội Nông dân tỉnh Điện Biên giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. 

Ở Điên Biên, trong số 52 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng có 2 nữ nông dân. Đó là chị Tẩn Thị Pen, quê ở xã Huối Só, huyện Tủa Chùa, dân tộc Dao và chị Lò Thị Phượng, quê xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, dân tộc Lào.

Trước đó, tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016 cũng có một nữ nông dân 24 tuổi trúng cử đại biểu Quốc hội, đó là chị Triệu Thị Huyền, dân tộc Dao ở tỉnh Yên Bái. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, chị Triệu Thị Huyền tiếp tục trúng cử. 

Đối với cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri cả nước đã thực hiện bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó đại biểu là người dân tộc thiểu số là 636 người (tỷ lệ 17,09%).

HĐND cấp huyện bầu được 22.550 đại biểu. Trong đó, đại biểu là người dân tộc thiểu số là 4.110 người (tỷ lệ 18,23%).

HĐND cấp xã bầu được 239.788 đại biểu. Trong đó, đại biểu là người dân tộc thiểu số: 49.286 người (tỷ lệ 20,55%).

Đáng chú ý là không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại.

Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 còn được thể hiện qua sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào và cử tri cả nước. Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, song tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,6% tổng số cử tri cả nước.

Tỷ lệ cử tri đi bầu ở nhiều tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi gần như tuyệt đối: Trà Vinh 99,98%, Lào Cai 99,98%, Vĩnh Long 99,97%, Hà Giang 99,96%, Gia Lai 99,95%, Quảng Ninh 99,95%, Quảng Nam 99,96%, Bình Phước 99,96%, Lâm Đồng 99,94%, Điện Biên 99,93%, Bạc Liêu 99,91%...

Trong bối cảnh khó khăn, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị, hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn hăng hái tích cực tham gia bỏ phiếu bằng ý chí và tinh thần dân tộc.

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, tổ chức thành công rất tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thật sự là ý Đảng lòng dân, là niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ, thành công của cuộc bầu cử lại càng cho thấy sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, hội tụ ở niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với với Đảng và Nhà nước. Cuộc bầu cử cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong dư luận trong và ngoài nước, được truyền thông quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài đánh giá cao./.

Hồng Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN