Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt cần quan tâm triển khai

Thứ Ba, 19/07/2022 15:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế về kinh tế biển xanh, một số nội dung then chốt trong lập quy hoạch không gian biển (QHKGB) Quốc gia cần hết sức quan tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi khi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phóng viên (PV): Trên cương vị đã từng là nhà quản lý về lĩnh vực biển, hải đảo, ông có thể cho biết thế nào là nền kinh tế biển xanh và Nghị quyết 36-NQ/TƯ có vai trò như thế nào trong việc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về biển, giàu về biển?

Ông Tạ Đình Thi: “Kinh tế biển xanh” là thuật ngữ ngày càng được hoàn thiện theo hành trình phát triển bền vững của nhân loại và ngày nay được sử dụng phổ biến trong quản trị biển và đại dương. Tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển bền vững tại Rio de Janerio, Braxin (Rio +20).

Trong quá trình thảo luận, mặc dù nhiều đại biểu tiếp tục coi phát triển kinh tế xanh là giải pháp tổng thể để phát triển bền vững nhưng nhiều quốc gia biển, quốc gia đảo đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến trọng tâm áp dụng kinh tế xanh đối với họ, đồng thời nêu bật vai trò, giá trị của các vùng biển, đại dương đối với sự phát triển nhân loại.

Với cách tiếp cận này, thuật ngữ biển xanh “Blue” đã được xem như bộ phận cấu thành quan trọng của “Green Economy” để phát triển bền vững, được thể hiện trong báo cáo “Kinh tế xanh trong thế giới biển xanh” và trong Chương trình nghị sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc giai đoạn 2012 - 2016. Kể từ thời điểm Rio+20, ngày càng nhiều sự quan tâm đến kinh tế biển xanh trên khắp thế giới. Có sự khác biệt cách diễn giải về kinh tế biển xanh trong nhiều văn liệu khác nhau do có những cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này.

Khía cạnh được nhiều bên nhất trí coi kinh tế biển xanh là một khái niệm linh hoạt, được sử dụng tùy vào bối cảnh, điều kiện và bởi các bên khác nhau nhằm đạt được 3 mục tiêu: Bền vững môi trường và hệ sinh thái biển; phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, dựa vào biển hoặc có liên quan và; tạo ra công bằng xã hội hoặc có tính bao trùm.

Có thể kể ra một số tổ chức quốc tế đi tiên phong trong việc xây dựng khái niệm về kinh tế biển xanh như: Ủy ban cấp cao về phát triển bền vững kinh tế đại dương, Ủy ban châu Âu, OECD, Ngân hàng Thế giới; các quốc gia đang nỗ lực thực hiện kinh tế biển xanh như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập từ những thực tiễn tốt và rút ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia biển trên thế giới.   

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Biển Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo hướng tới phát triển bễn vững.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến biển, đảo và thể hiện tầm nhìn “tiến ra biển” để làm giàu từ biển và bảo vệ biển từ rất sớm. Tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), lần đầu tiên Đảng ta bàn về phát triển toàn diện các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 20-CT/TƯ về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đặc biệt, tại Đại hội X (tháng 4/2006), Đảng ta khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển, đảo.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Để tiếp tục đẩy mạnh khai thác các tiềm năng lợi thế của các vùng biển Việt Nam cho phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là chủ trương lớn, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển bền vững, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu số 14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững).

Quan điểm xuyên xuốt của Nghị quyết là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển… phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Như vậy, có thể thấy quan điểm về phát triển kinh tế biển xanh đã được tiếp thu, xây dựng và hoàn thiện khá sớm ở Việt Nam và thể hiện khá rõ trong các văn kiện khác nhau nêu trên của Đảng và Nhà nước ta.

PV: Kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác quá mức tài nguyên biển đã gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái biển. Ông có thể cho biết thực trạng vấn đề này?

Ông Tạ Đình Thi: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các áp lực lên môi trường biển nước ta. Có 04 vấn đề đang nổi lên hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt: Vấn đề rác thải nhựa đại dương; Sự cố tràn dầu trên biển; Vấn đề kiểm soát các nguồn thải; Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, chúng ta cần tập trung tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ban hành, đặc biệt quan tâm triển khai các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia. 

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Media QH

PV: Với yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam cần triển khai giải pháp gì trong việc quy hoạch không gian biển để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế biển trong tương lai?

Ông Tạ Đình Thi: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia. Theo đó, mục tiêu chung của nhiệm vụ này là: “Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW và đạt mục tiêu nêu trên, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế về kinh tế biển xanh, một số nội dung then chốt trong lập Quy hoạch không gian biển quốc gia cần hết sức quan tâm.

Về nguyên tắc lập quy hoạch, thứ nhất phải phù hợp và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; các lợi ích khác của Việt Nam trên các vùng biển và vùng trời.

Thứ hai, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ ba, quy hoạch không gian biển quốc gia được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan đến kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam nhưng có sự điều chỉnh, xử lý đối với các mâu thuẫn, vùng chồng lấn về không gian biển theo nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên, có xem xét tới tính đặc thù của các ngành.

Thứ tư, bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái.

Thứ năm, liên kết, tích hợp các thành phần, chức năng của biển, thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình quy hoạch.

Thứ sáu, tuân thủ đường lối, chính sách và phù hợp với các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam, pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan đến biển, hải đảo mà Việt Nam là thành viên.

Về quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh trong quá trình xây dựng Quy hoạch quốc gia, phát triển kinh tế biển xanh phải coi các vùng biển, đại dương là “không gian phát triển”, nơi quy hoạch không gian đòi hỏi sự tích hợp và hài hòa các vấn đề: Bảo tồn, sử dụng bền vững, sản xuất năng lượng bền vững, vận tải biển,… đồng thời các vấn đề “công bằng” trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên và chia sẻ lợi ích đối với cộng đồng địa phương phải được xem xét.

Kinh tế biển xanh đòi hỏi sự kết hợp các giá trị và dịch vụ hệ sinh thái của đại dương vào các quá trình ra quyết định và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế biển xanh đóng một vai trò thiết yếu trong việc giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Nền tảng cho kinh tế biển là các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ thống sinh thái hoạt động như vốn tự nhiên của kinh tế biển (vốn biển tự nhiên).  

Về định hướng quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2030, cần tập trung quy hoạch đối với các vấn đề: Ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đã được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đặc biệt tập trung vào du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu, khí, nuôi biển, điện gió.

Bên cạnh đó, về phân vùng không gian biển, Quy hoạch không gian biển là quy hoạch khung, mang tính định hướng làm cơ sở để các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các mục đích sử dụng biển cụ thể nhằm đạt được các mục đích chung của kinh tế biển xanh. Kết quả của quá trình Quy hoạch không gian thường là một bản kế hoạch tổng thể toàn diện cho một vùng biển.

Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai xây dựng và dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10 năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN