Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định rõ việc thu hồi đất để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc

Thứ Năm, 22/09/2022 15:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề thu hồi đất. Tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: QH 

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, sáng 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Đây là dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp.

Dự án Luật sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phát biểu giải trình một số vấn đề tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã có sự đồng hành, phối hợp cùng Chính phủ trong việc xây dựng nội dung, hồ sơ dự án Luật quan trọng này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng – an ninh, lịch sử, nên nội dung tương đối phức tạp.

Bộ trưởng mong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành, góp ý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để dự án Luật đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại.

Đối với các trường hợp nhà nước thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết, dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội.

Liên quan đến hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, đồng thời, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, “Cơ quan soan thảo sẽ tiếp tục làm rõ và đánh giá tác động của quy định này; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, đối với vấn đề về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác.

Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Kế thừa các nghiên cứu từ các luật khác, tại Điều 4 trong dự án Luật này quy định đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật.

Các quy định trong Điều 4 này cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai 2023 với các Luật khác, chứ không phải Luật Đất đai 2013, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cảm ơn những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, toàn diện của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự án Luật chặt chẽ, toàn diện và đảm bảo chất lượng ./.

 

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN