Quy định rõ điều kiện thu hồi đất, tránh áp dụng chủ quan, tùy nghi
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Vì vậy, việc quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi của người dân bị thu hồi đất là vấn đề cần được làm rõ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện thu hồi đất
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm. Do đó, theo đại biểu, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải giải quyết được vấn đề này.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: QH) |
Để làm rõ nội hàm, quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện tiến hành thu hồi đất, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng: Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.
“Việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là đảm bảo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Dẫn Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được quyền thu hồi đất nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 điều kiện đó là: thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai, do luật định; thứ ba, vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) chỉ ra, Luật Đất đai hiện hành không có quy định thế nào là trường hợp thật cần thiết.
Trên thực tế, thời gian qua, khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Như vậy, sẽ tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của mình và có trường hợp dễ tạo ra sự lạm dụng để thu hồi đất tràn lan. Hệ quả là thời gian vừa qua, nhiều dự án sau khi được Nhà nước thu hồi và phê duyệt thì 10 năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang hoặc có dự án sau một thời gian triển khai thì thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, không giữ được mục đích sử dụng đất ban đầu khi lập dự án. Như vậy, yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm và không thực hiện đúng ở những dự án này.
Do đó, để tránh những trường hợp tùy tiện, không thống nhất và dễ bị lạm dụng, đại biểu cho rằng cần quy định ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thật cần thiết và theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các chính sách về đền bù việc hỗ trợ, tái định cư cần phải được quan tâm hơn nữa để người dân bị thu hồi đất đỡ thiệt thòi.
Đảm bảo lợi ích, kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân
Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, do còn bất cập trong quy định, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất, nên vấn đề thu hồi đất vẫn gây ra nhiều khiếu kiện kéo dài.
Theo đại biểu, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã khắc phục được tồn tại của Luật Đất đai năm 2013, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ định hướng của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các quy định tại Điều 86 của dự thảo Luật về phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song vẫn chưa rõ ràng, tách biệt vì mục đích khi Nhà nước thu hồi đất dễ bị áp dụng chủ quan, tùy nghi. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Đây chính là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong thời gian vừa qua.
Do vậy, đại biểu Trần Nhật Minh đề xuất cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đồng thời để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An). (Ảnh: QH) |
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) nhận định, quá trình thu hồi đất đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho phát triển đô thị và công bằng xã hội. Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng” là rất rộng.
Theo đó, cần xác định và làm rõ giá đất khi giải tỏa, đền bù. Nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm. Nếu thu hồi đất doanh nghiệp để làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân.
Đại biểu chỉ ra, qua khảo sát cho thấy khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá thị trường ở mỗi địa phương tương ứng. Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư.
Thực tế cho thấy, mặc dù đối tượng thu hồi đất do nhà nước quản lý nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại, liên quan đến sinh kế. Vì vậy, theo đại biểu, cần quy định thêm người dân, tổ chức khi bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định thì được hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…, có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi thực tiễn cho thấy việc duy trì cơ chế thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận, giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận. Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước…/.