Quy định mua sắm, quản lý thuốc kháng HIV từ nguồn quỹ BHYT
(ĐCSVN) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 28/2017/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.
Nhân viên y tế tư vấn điều trị cho đối tượng nguy cơ cao tiếp cận
với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại phòng chống HIV/AIDS.
(Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN)
Theo đó, Thông tư quy định về: Mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc kháng HIV sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Quản lý việc sử dụng thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Tạm ứng và thanh toán chi phí thuốc kháng HIV sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Chế độ, nguồn kinh phí và phương thức hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có BHYT.
Tiêu chí lập kế hoạch về nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV gồm 05 yếu tố: Số lượng người nhiễm HIV có thẻ BHYT hiện đang điều trị thuốc kháng HIV tại cơ sở y tế, trong đó phân loại người nhiễm HIV có thẻ BHYT theo phác đồ điều trị; Dự kiến thay đổi số lượng người nhiễm HIV tham gia điều trị thuốc kháng HIV có thẻ BHYT trong kỳ lập kế hoạch; Ước tính số lượng thuốc tồn kho từ nguồn BHYT tính đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo; Số lượng người nhiễm HIV đang được các nguồn khác hỗ trợ thuốc kháng HIV; Lộ trình hỗ trợ từ các nguồn khác theo thông báo của Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
Về quy trình lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV, trước ngày 10 tháng 7 hàng năm, cơ sở y tế phối hợp với BHXH nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT ước tính và lập nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV, gửi cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh). Trước ngày 20 tháng 7 hàng năm, cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV của tất cả các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và gửi về đơn vị mua sắm.
Sau khi nhận được dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV của các đơn vị, địa phương, đơn vị mua sắm có trách nhiệm: Tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV của toàn quốc và hoàn thành việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập trước ngày 10 tháng 8 hằng năm; Chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng nội dung văn bản thỏa thuận khung và thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị mua sắm tiến hành thương thảo và ký văn bản thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu. Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận khung, đơn vị mua sắm có trách nhiệm gửi văn bản thỏa thuận khung cho BHXH Việt Nam và đơn vị ký hợp đồng. Định kỳ hàng tháng, cơ sở y tế có trách nhiệm thống kê số lượng thuốc đã sử dụng tại cơ sở trong tháng đó; số lượng thuốc hiện đang tồn kho và hạn sử dụng của thuốc tồn kho để làm căn cứ điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp số lượng thuốc tồn kho thừa so với nhu cầu hoặc không đủ so với nhu cầu điều trị hoặc thuốc chỉ còn hạn sử dụng dưới 6 tháng, cơ sở y tế có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thuốc về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS). Trong thời gian 05 ngày làm việc, Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) có trách nhiệm gửi văn bản điều phối thuốc kháng HIV đến nhà thầu trúng thầu và đơn vị ký hợp đồng. Trong thời gian 10 ngày làm việc, nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm điều phối thuốc kháng HIV theo yêu cầu của Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
Trường hợp cơ sở y tế bị thiếu thuốc đột xuất do thiên tai, thảm họa, thay đổi phác đồ điều trị hoặc các tình huống bất khả kháng khác (sau đây gọi tắt là sự kiện đột xuất), trong thời gian 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện đột xuất, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh.
Trường hợp việc thông báo được thực hiện bằng điện thoại hoặc fax hoặc thư điện tử thì phải gửi công văn chính thức trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự kiện đột xuất. Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ sở y tế, cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện điều phối thuốc từ cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh đến cơ sở quy định tại điểm a khoản này; đề nghị bằng văn bản đến Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để thực hiện việc cấp bổ sung thuốc cho các cơ sở y tế bị thiếu thuốc đột xuất. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, Bộ Y tế có trách nhiệm gửi văn bản điều phối thuốc kháng HIV đến nhà thầu trúng thầu và đơn vị ký hợp đồng. Trường hợp thay đổi phác đồ điều trị thuốc, cơ quan có thẩm quyền thay đổi phác đồ chịu trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xử lý đối với việc thu hồi và xử lý thuốc tồn chưa sử dụng.
Trường hợp thuốc mất mát, hư hỏng, hết hạn do cơ sở y tế hoặc nhà thầu gây ra thì cơ sở y tế và nhà thầu trúng thầu phải chịu trách nhiệm và không được thanh toán vào nguồn quỹ BHYT.
Trường hợp thuốc kháng HIV tồn kho đã báo cáo Bộ Y tế để thực hiện điều phối nhưng không có cơ sở y tế tiếp nhận dẫn đến hết hạn sử dụng thì cơ sở y tế nơi có thuốc tồn kho phải chịu trách nhiệm và không được thanh toán vào nguồn quỹ BHYT.
Thông tư cũng quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí thuốc kháng HIV, trong đó có quy định rõ, quỹ BHYT chỉ tạm ứng, thanh quyết toán chi phí thuốc kháng HIV sử dụng trực tiếp cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Trường hợp thuốc mất mát, hư hỏng, hết hạn do nhà thầu gây ra, nếu nhà thầu đã nhận đủ tiền thì phải hoàn trả khoản kinh phí này cho Đơn vị ký hợp đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2017./.