Quy định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc cần bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật
(ĐCSVN) – Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị dự thảo Luật quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cần thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình xem xét, xử lý hành vi trốn đóng.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang. Ảnh: QH |
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại Chương III dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho biết, khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đại biểu nhận thấy đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên.
Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện luật để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ khắc phục những bất cập của quy định pháp luật mà còn thể hiện điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đi lên của đất nước. Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật khi bổ sung chính sách trợ cấp, tiêu chí xã hội....
Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu bày tỏ nhất trí cần phải quy định các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bên cạnh hành vi chưa nộp hoặc nộp hồ sơ sau thời hạn như dự thảo quy định thì vẫn còn yếu tố trốn đóng. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên.
Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cần thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình xem xét, xử lý hành vi trốn đóng.
Quan tâm đến bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chính sách giảm rút bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo quyền an sinh xã hội trong tương lai của người lao động khi về già nên tránh tác động tiêu cực đến quyền an sinh xã hội trước mắt của người lao động. Chính sách điều chỉnh rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ khả thi hơn nếu thực hiện dần từng bước kết hợp giữa việc giảm bớt quyền lợi hưởng và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các quyền lợi ưu tiên khác. Do đó những nỗ lực giảm tình trạng rút bảo hiểm xã một lần nên đi kèm với việc cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn.
Các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Phương Thủy |
Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh, rút kinh nghiệm khi triển khai Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nỗ lực hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần trước đây không được sự đồng thuận của toàn bộ người lao động. Điều này có thể do tốc độ và mức độ điều chỉnh chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần chưa phù hợp; hoặc một phần do mức độ tin cậy thấp vào hệ thống, đặc biệt là thiếu các hình thức hỗ trợ thay thế thu nhập.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm các chính sách cụ thể để giải quyết việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng: Về giảm quyền lợi rút bảo hiểm xã hội một lần, cần thực hiện kết hợp giữa giảm một phần tiền được rút bảo hiểm xã hội một lần như Phương án 2 hiện nay và tăng dần thời gian chờ để được rút bảo khi rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về tăng quyền lợi khác, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đều là người trẻ, chưa có tích lũy, đang trong giai đoạn nuôi con nên có thể cung cấp quyền lợi về trẻ em – đang là chế độ an sinh xã hội duy nhất còn thiếu trọng Luật Bảo hiểm xã hội, nếu đối chiếu với tiêu chuẩn quốc tế về an sinh xã hội.
Để người lao động có thêm cân nhắc không rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng, cần phải thực hiện cách tiếp cận từng bước hướng đến hạn chế dần các động cơ rút bảo hiểm xã một lần, nhưng cũng không tạo ra sự thay đổi đột ngột trong chính sách. Cách tiếp cận từng bước này sẽ giúp tránh nguy cơ tạo ra làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần hàng loạt vào năm trước khi luật và các chính sách liên quan có hiệu lực…./.