Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thực hiện thí điểm

Thứ Sáu, 03/06/2022 15:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thảo luận về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. theo các đại biểu, cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm,...

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 03/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân trong việc cải tạo, giáo dục và chuẩn bị trước một bước giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm áp lực của Nhà nước trong công tác quản lý giáo dục, chấp hành án phạt tù.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL.

Đại biểu lưu ý, việc thực hiện thí điểm cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP.Hà Nội) nhất trí việc cho phép thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời hạn 5 năm như các lý do đã được nêu trong Tờ trình Chính phủ.

Về phạm vi thực hiện thí điểm Khoản 1 và khoản 2, Điều 1 của dự thảo nghị quyết quy định việc thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện đối với các trại giam, Bộ Công an quản lý, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1 phần 3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, số lượng trại giam được thực hiện thí điểm như vậy là phù hợp. Song do đây là việc thực hiện thí điểm nên để có khả năng tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, tính phù hợp quy định pháp luật và hiệu quả của mô hình thí điểm thì việc lựa chọn danh sách các trại giam được áp dụng thí điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, phải vừa mang tính đại diện vùng, miền, địa bàn, vừa phản ánh được tính chất, đặc điểm về quy mô, số lượng phạm nhân được giao quản lý chứ không phải là lựa chọn những nơi có điều kiện thuận lợi gần các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển sẽ thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác.

Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, song đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng đây là chính sách mới, cần phải được đánh giá tác động của mô hình mới đối với tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự địa phương, sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết.

Tuy nhiên, đại biểu đề xuất không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện thí điểm này.

Theo đại biểu, tại khoản 3 Điều 1 dự thảo quyết quy định đầy đủ và chặt chẽ các nguyên tắc thực hiện thí điểm, song cần tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức hợp tác, các mô hình… để đảm bảo thống nhất với Luật Thi hành án hiện hành.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng không nên tập trung vào sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, mà cần mở rộng thêm lao động hướng nghiệp, dạy nghề, nhất là đối với các ngành nghề có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần đưa những ngành nghề phát huy được năng khiếu, thế mạnh, sở trường của phạm nhân nhất nhằm kích thích, động viên hội trong quá trình lao động. Điều này sẽ giúp tăng cường sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, giúp phạm nhân có thêm cơ hội tiếp cận việc làm sau khi hết thời hạn chấp hành phạt tù.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), thời gian thực hiện thí điểm 5 năm là hợp lý, bởi để đánh giá được hiệu quả của một mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam cần một thời gian đủ dài mới có thể đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện. Việc đánh giá không chỉ đánh giá hiệu quả của mô hình trong các hoạt động tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, mà còn phải đánh giá hiệu quả sau khi phạm nhân ra tù, những nghề phạm nhân đã được học có thực sự phát huy tác dụng, giúp họ có thêm điều kiện tốt để tái hòa nhập cộng đồng và trở thành nghề giúp họ mưu sinh…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN