Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định chặt chẽ chế tài xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc

Thứ Sáu, 03/11/2023 16:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ, chế tài xử lý mạnh hơn nữa các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc; tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo dự thảo Luật đưa ra.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan rộng lớn đến đông đảo người dân và người lao động. Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 5 năm thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng (mới đạt khoảng 37,2% với với 17.308 triệu người tham gia). Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao. Đáng chú ý, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TH. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu thực tế, đóng BHXH chiếm đến 20-25% chi phí của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp lách luật để né đóng BHXH bằng nhiều cách. Mặc dù đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc cho hay, dự thảo Luật mới đề cập đến doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà chưa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để gia tăng theo tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc. Ảnh: TH. 

Đại biểu chỉ ra, với tình trạng hiện nay hành vi trốn đóng 6 tháng trở lại phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp “ngừng sử dụng hóa” là chưa bảo đảm tính răn đe; đồng thời nếu quy định biện pháp này cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đầu tư…

Theo đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng, quy định tại khoảng 4 Điều 37 của dự thảo Luật “Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.” là chưa thực sự phù hợp. Bởi hành vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục tiếp diễn thì cần áp dụng biện pháp cao hơn của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó dự thảo lại chuyển sang khởi kiện tức chế tài dân sự là chưa phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, chỉnh sửa hợp lý hơn./.

 

 

 

Minh Trang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN