Quy định cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng BHXH
(ĐCSVN) - Có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính tần suất tai nạn lao động làm căn cứ để được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn: TN. |
Cụ thể, theo Điều 8 Thông tư 27, tần suất tai nạn lao động được tính theo công thức sau:
Ki = Ni nhân với 1.000 chia cho Pi. Trong đó:
- Ki là tần suất tai nạn lao động của năm.
- Ni là số lượt người bị tai nạn lao động và số người chết vì tai nạn lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12 trong năm.
- Pi là số người lao động tham gia BHXH bắt buộc tính từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12 trong năm.
Tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất được tính như sau:
Ktb = K1 + K2 + K3 chia cho 3. Trong đó:
- Ktb là tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
- K1 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất (năm thứ 1).
- K2 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ nhất (năm thứ 2).
- K3 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ hai (năm thứ 3). Cách tính này được áp dụng kể từ ngày 1-3-2022.
Nếu tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội được xem xét giảm mức đóng BHXH vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0,3%. /.