Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
(ĐCSVN) - Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Chiều 27/6, với 464 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 100%), Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều; quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: QH) |
Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật quy định thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; xác định rõ đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định; nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của luật này; đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định rõ: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Cũng liên quan đến quỹ này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Vấn đề đáng chú ý khác, Luật quy định Tổ hợp công nghiệp quốc phòng có các chức năng, nhiệm vụ như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng; Làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; Huy động nguồn lực quốc gia phát triển công nghiệp quốc phòng; Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, chuyển giao công nghệ phù hợp công nghiệp dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng bao gồm: Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội nhân dân; tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng…/.