Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quốc hội thảo luận tại tổ về một số Dự án luật, Nghị quyết

Thứ Tư, 09/11/2016 20:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, Dự án Luật cảnh vệ; Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về một số Dự án luật, Nghị quyết. (Ảnh: MH)


Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Đồng thời, bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh; Cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước. Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226  ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành). Để đáp ứng mục tiêu xây dựng Dự án Luật là nhằm xóa bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. 

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là có hay không quy định việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không. Hiện nay, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu nhiều phương tiện giao thông đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ. Mặt khác, nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật cảnh vệ; Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh, góp phần phát triển du lịch, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Nội dung dự thảo Nghị quyết quy định về thị thực điện tử là một loại thị thực rời; người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp trước phí cấp thị thực và phí này không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp thị thực. Cũng theo nội dung dự thảo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với thời hạn thực hiện thí điểm là 2 năm, kể từ ngày 1/1/2017.

Theo chương trình, ngày mai 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); buổi chiều, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

 

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN