Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Trị: Đề xuất thực hiện sáng tạo, đúng quy định để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia

Thứ Hai, 26/12/2022 20:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chương trình quan trọng thúc đẩy những lợi thế, điểm mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước, trong đó sẽ mang lại kỳ vọng thay đổi lớn cho đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị.

Xác định rõ điểm mạnh, lợi thế và khó khăn

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đồng bào DTTS có 20.984 hộ, 94.981 người (chiếm tỷ lệ 13,32% dân số toàn tỉnh).

Quảng Trị có 28 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 1 xã khu vực I và 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, có 2 DTTS chủ yếu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, là Bru Vân Kiều và Pa kô (nhóm địa phương, thuộc dân tộc Tà Ôi) được xác định là dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến tích cực về cơ sở hạ tầng. (Ảnh: Ban Dân tộc Quảng Trị).

Trong những năm qua, nhờ được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến tích cực về cơ sở hạ tầng, năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội, thu nhập của người dân được nâng lên, sản xuất hàng hóa được phát triển hơn.

Hiện nay, toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia và 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã và 77% số thôn, bản ấp có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh DTTS đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỷ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, tình hình KT-XH ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh vẫn còn khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội còn thấp. Năm 2022, tỷ lệ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của tỉnh 10,44%). Sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; khả năng phát triển bằng nội lực của đồng bào DTTS còn hạn chế, bên cạnh đó một số tập quán văn hóa truyền thống đang bị xói mòn và một số tệ nạn có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Xác định Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình động lực lớn, thúc đẩy những lợi thế, điểm mạnh đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách, những yếu tố tiêu cực đối với mục tiêu phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi của toàn tỉnh.  

Ngay từ những ngày đầu triển khai công tác chuẩn bị, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động và thể hiện sự quyết liệt để thực hiện thành công của Chương trình, với việc triển khai nhiều giải pháp như: Ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương; Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 – 2025; thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo về quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025); Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương…

Song song với đó, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã triển công tác tuyên truyền để đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng miền núi hiểu về vai trò, ý nghĩa của Chương trình MTQG. Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 2030 cũng như nội dung của 10 dự án thành phần đã được phổ biến đến với người dân thông qua các lớp tập huấn, các buổi hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là thông qua đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ đó tạo sự đồng thuận trong đồng bào DTTS, người dân sống ở vùng miền núi để cùng chung sức thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình MTQG.

Tái hiện những nét đẹp trong phong tục lễ cưới của đồng bào dân tộc PaKô của tỉnh Quảng Trị.(Ảnh: Thế Dương)

Quảng Trị đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các nội dung về cơ chế, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, xác định phát triển toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi là yêu cầu quan trọng, vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả quốc gia cũng như địa phương. Quảng Trị đã quyết tâm và xác định quyết liệt triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đề xuất thực hiện sáng tạo, đúng quy định để đạt được hiệu quả cao

Theo đó, để Chương trình được triển khai thông suốt và thống nhất, Quảng Trị đề xuất cho tỉnh được thực hiện các nội dung của Chương trình một cách sáng tạo, vừa đúng quy định vừa đạt được hiệu quả đầu tư cao. Trong đó, kéo dài thời gian thực hiện vốn để địa phương có thời gian chuẩn bị tránh do áp lực thời gian làm giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ ngành và các nhà tài trợ quan tâm, hỗ trợ Quảng Trị phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào các nội dung tăng cường hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất – kinh doanh, chuỗi giá trị phát huy các thế mạnh, cơ hội của cộng đồng người bản địa; và công tác thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho đồng bào DTTS.

Đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó đối với những rủi ro trong đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân; nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng đối phó với các tệ nạn xã hội; nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Vùng miền núi tỉnh Quảng Trị vốn có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng và giàu có (có 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông). Nhưng nhưng nhiều thành phần đã bị suy thoái, bị giảm sút về mặt số lượng (như các quần thể động, thực vật quý hiếm) hoặc bị suy giảm về mặt chất lượng (như các hệ sinh thái rừng) do khai thác quá mức và sử dụng tài nguyên sinh vật không bền vững; do hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu; do sức ép từ sự gia tăng dân số... /.

Ngọc Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN