Quảng Ninh: Xây dựng chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp
Việc xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” với các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước là một giải pháp có tính đột phá để quản lý tốt chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất ít cơ sở sản xuất thực hiện được quy trình này với rất nhiều lý do, trong đó có việc
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị thực hiện được việc xây dựng chuỗi sản xuất ATTP, như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn). Đây cũng là đơn vị duy nhất của tỉnh có 2 sản phẩm là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai được trao giấy chứng nhận xếp hạng 5 sao OCOP. Thời gian qua, Công ty đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị…, đảm bảo các quy trình chế biến khép kín. Theo đó, từ sơ chế nguyên liệu, cấp đông, trần, sấy khô, xé, xào đến đóng lọ, thanh trùng, dán nhãn… đều được thực hiện đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về ATTP. Xác định, nguồn nguyên liệu đầu vào là vấn đề tiên quyết, các nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến của Công ty đều có hợp đồng nhập từ các tàu cá lớn có giấy chứng nhận ATTP hoặc các cơ sở sản xuất uy tín; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm tươi, ngon, đảm bảo. Trong đó, nguyên liệu để sản xuất ruốc hàu Thái Bình Dương được nhập từ Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) có giấy chứng nhận xuất xứ. Mỗi lô hàng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh đều được giám sát, cấp phiếu kiểm soát, cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Đơn vị thứ hai là Công ty CP Đầu tư Song Hành Quảng Ninh với dự án sản xuất rau theo mô hình khép kín tại xóm Vườn Chay (xã Tiền An, TX Quảng Yên). Để được công nhận là rau an toàn, cơ sở sản xuất phải đáp ứng hàng chục tiêu chí từ vị trí, đất, nước, không khí khu vực trồng rau, cho đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản rau; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hoá học trên cây rau... Do đó, tất cả các khâu sản xuất rau của Công ty đều tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất rau an toàn. Trước khi trồng rau, đất được xử lý bằng việc phơi ải, rắc vôi bột, sau đó làm luống, bón lót, trồng cây con. Giống cây được Công ty trực tiếp gieo trồng nên kiểm soát được đầu vào, cây trồng khoẻ mạnh, không mang nguồn sâu bệnh. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc rau, Công ty sử dụng nguồn nước giếng khoan; bón phân vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày; sử dụng các loại chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý; thực hiện đúng hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch. Công ty còn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng trọt, giúp hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, Công ty đều gửi các mẫu rau, đất, nước… đi kiểm nghiệm.
Ngoài hai đơn vị trên, số doanh nghiệp có chuỗi sản xuất an toàn trên địa bàn rất ít ỏi. Một trong những nguyên nhân là sự liên kết giữa 4 nhà chưa thật chặt chẽ. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư Song Hành, trong đề án sản xuất ban đầu của doanh nghiệp này không có diện tích đất canh tác, chỉ có đất dành để xây dựng nhà xưởng sơ chế, nuôi cấy giống… Toàn bộ vùng nguyên liệu Công ty liên kết với nông dân theo hướng nông dân sản xuất sản phẩm theo đặt hàng. Tuy nhiên, dần dần trong quá trình sản xuất, nhiều hộ nông dân bỏ qua các tiêu chí của doanh nghiệp. Một số trường hợp trồng giống trôi nổi, tranh thủ phun, bón một số loại thuốc hoá học ngoài danh mục, thu hoạch trước thời hạn, ưu tiên bán cho tư thương…, do đó mối liên kết này bị phá vỡ, không hiệu quả. Chia sẻ về những khó khăn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, nói: Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về thực phẩm an toàn cũng như việc sản xuất theo chuỗi, do đó thường đánh đồng các sản phẩm với nhau. Trong khi đó, để sản xuất theo chuỗi không chỉ đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khắt khe, mà còn điều kiện cơ sở vật chất, chi phí kiểm định…, nên giá thành các sản phẩm thường cao hơn. Do đó, doanh nghiệp mong Nhà nước hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người tiêu dùng hiểu, lựa chọn thực phẩm an toàn của các đơn vị, nhà sản xuất có uy tín.
Từ thực tế nêu trên, để nhân rộng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn thì các ngành, các cấp cần có những giải pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp cho hộ sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật…