Quảng Ninh thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số
(ĐCSVN) - Quảng Ninh thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm mục tiêu tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số, để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân.
Chuyển đổi số có vai trò quan trọng, cấp bách đối với đất nước và đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đặt rõ mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu…
Tại Quảng Ninh, Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của Quảng Ninh (Ảnh: baoquangninh.com.vn) |
Quảng Ninh cũng ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH, gồm: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Đề án Chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Quảng Ninh xây dựng dựa trên những thành quả đã đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Mục tiêu của Đề án là tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số, để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Quảng Ninh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...
Ba năm gần đây nhất, Quảng Ninh nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2017-2019, dẫn đầu về chỉ số PCI; đứng đầu bảng xếp hạng các chỉ số Par Index, SIPAS; đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số PAPI (năm 2016 còn xếp vị trí 62/63 tỉnh, thành trong nước), chỉ số ICT năm 2019. Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quảng Ninh đã xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số này.
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh coi đây là một trong 15 đề án trọng tâm và đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình hành động số 01/CTr-TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặt mục tiêu là phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với cách tiếp cận bám sát 6 quan điểm lớn được thể hiện trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Trên cơ sở đó, Quảng Ninh sẽ chuyển nhanh từ chính quyền điện tử sang chính quyền số và cách tiếp cận triển khai chuyển đổi số toàn diện của tỉnh theo 3 trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh cũng xác định 6 chủ thể sẽ tham gia chuyển đổi số để tăng cường tính toàn diện gồm: cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, khối đoàn thể, khối chính quyền, doanh nghiệp và người dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, con người và bản sắc văn hóa của địa phương.
Ngoài ra, Quảng Ninh quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, an ninh trật tự... Đã có 8/17 dự án thành phần hoàn thành như: xây dựng trường học thông minh với trang thiết bị hiện đại và hệ thống phần mềm dùng chung của ngành giáo dục; các dự án xây dựng bệnh viện thông minh (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh)...
Trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định 5 nhiệm vụ lớn trong thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia và cụ thể hóa triển khai Đề án chuyển đổi số của tỉnh, gồm: cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, gắn với nhiệm vụ đầu tiên mà tỉnh xác định quan trọng là đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị để hướng tới cấp độ 3 của chính quyền số là quản trị dựa trên dữ liệu. Từ đó, tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị để phục vụ người dân ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý.
Cùng với đó, nghiên cứu thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên một địa chỉ Internet để lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều nắm được và trả lời nhanh nhất. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân...