Quảng Ninh: Nhiều hiệu quả từ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”
(ĐCSVN) - Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian vừa qua, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả; góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân…
Gần 400 sản phẩm, nhóm sản phẩm tham gia OCOP
Với đặc điểm là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn làm thí điểm Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nên thời gian đầu tỉnh Quảng Ninh gặp khá nhiều khó khăn. Để việc triển khai chương trình bảo đảm hiệu quả, tránh những lãng phí không cần thiết, Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OCOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan; nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam. Trên cơ sở đó và bám sát đặc điểm của địa phương, trong thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân tham gia triển khai, nhân rộng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã đặc biệt quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ…, các doanh nghiệp tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả cho hội viên, nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản, kỹ thuật vận hành các loại máy nông nghiệp... Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh và 19 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - nhà nông với hàng trăm chủ trang trại và hộ nông dân gắn với truyền thông về OCOP.
Với các giải pháp tích cực, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát triển được 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179, đồ uống 60, thảo dược 46, thủ công mỹ nghệ 7, dịch vụ 2); trong đó, 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (HTX), 56 hộ sản xuất. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.
Tập trung mở rộng và phát triển chương trình
Theo đánh giá, việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Quang Ninh đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng; nhất là tạo hướng để các huyện, thành phố, thị xã khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Thống kê sơ bộ, doanh thu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ sản phẩm OCOP toàn tỉnh ước đạt khoảng trên 500 tỷ đồng, tăng gần 10 % so với cùng kỳ 2017. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã Phát triển Đình Trung (huyện Bình Liêu) là một đơn vị tiêu biểu trong tham gia thực hiện OCOP. Sau khi đăng ký phát triển mô hình HTX làm miến dong truyền thống, đơn vị đã được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mỗi năm, HTX Phát triển Đình Trung sản xuất khoảng 50 tấn miến thương phẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Sản phẩm miến dong đã được tiêu thụ tại địa bàn và đưa ra các tỉnh khác; tại các kỳ hội chợ nông sản trong nước... Do phát triển ổn định nên HTX đã tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung chia sẻ: Các hộ thành viên HTX đều rất phấn khởi vì từ khi tham gia OCOP, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập người lao động cao hơn hẳn so với trước.
Tìm hiểu được biết, phát huy những kết quả bước đầu, để tiếp tục phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững, vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản phê duyệt danh mục các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh của Quảng Ninh bao gồm 12 sản phẩm: du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu; miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.
Cùng với đó, để mở rộng và phát triển Chương trình OCOP, Quảng Ninh còn thực hiện cơ chế hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương. Nhờ đó, việc mua các sản phẩm OCOP cũng ngày càng dễ dàng hơn. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số đó, hiện có 10/29 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ ngân sách, còn lại đều do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm đã từng bước được đầu tư kiên cố, khang trang, lịch sự, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã triển khai tổ chức Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2018 với thời gian 3 ngày/tuần (vào các ngày cuối tuần của tháng) theo hình thức chuỗi sự kiện lưu động tại nhiều địa phương như: thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Hải Hà, thành phố Móng Cái và Cẩm Phả… Hoạt động này đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu dân cư.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thực sự thuận lợi cho phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Trong đó, hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội./.