Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Ninh: Khôi phục hoạt động du lịch, đón khách đến tham quan

Thứ Bảy, 14/09/2024 09:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cơn bão số 3 khiến hạ tầng ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại khá lớn, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng, khẩn trương, khắc phục những tổn thất. Các doanh nghiệp lữ hành, hộ kinh doanh du lịch đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa bão, sớm đưa hoạt động du lịch trở lại.

Ngành du lịch thiệt hại nặng nề sau bão số 3

Sở Du lịch Quảng Ninh vừa thông tin tổng hợp sơ bộ thiệt hại và công tác triển khai tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch. Về khối cơ sở lưu trú du lịch, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực TP Hạ Long thiệt hại liên quan đến đến vỡ kính, vỡ ngói mái nhà biệt thự, gió lùa làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ… ; đổ cây xanh, cột đèn trong khuôn viên; hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng. Thiệt hại tập trung ở các loại cơ sở lưu trú từ cao cấp 4-5 sao đến các cơ sở quy mô nhỏ, nhà nghỉ. Thiệt hại nặng nhất là ở địa bàn TP Hạ Long và một số địa phương ven biển: Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô.

Tại TP Hạ Long có 39 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao với 8.572 buồng phòng, trong đó có 5.196 phòng sẵn sàng đón khách (chiếm 60% tổng số phòng). Có 01 khách sạn không bị ảnh hưởng, đón đủ 100% công suất (Khách sạn Paddington Hạ Long; có 36 khách sạn vừa sửa chữa, vừa đón khách (chiếm 85%); 2 khách sạn dừng hoạt động để sửa chữa. Khối cơ sở lưu trú du lịch từ 1-3 sao và đạt tiêu chuẩn vẫn sẵn sàng đón khách: khoảng 580 khách sạn với 8.540 phòng).

 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3

Tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí: 100% cơ sở lưu trú sẵn sàng đón khách; Tại Cô Tô: 30% cơ sở lưu trú với 60% số phòng sẵn sàng đón khách; tại Vân Đồn: các cơ sở lưu trú tại Quan Lạn, Minh Châu đang phải khắc phục, chưa đủ điều kiện đón khách; một số cơ sở trong bờ đã sẵn sàng phục vụ.

Khối các nhà hàng, cửa hàng, điểm mua sắm, cơ sở kinh doanh, cửa hàng lưu niệm, các hàng hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản khu vực TP Hạ Long đều bị sập, tốc bay, đổ vỡ, hư hỏng nặng, nhiều cơ sở không có khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do đã bị hỏng hoàn toàn. Hệ thống các nhà hàng lớn, kiên cố tại khu vực Bãi Cháy và khu vực Hòn Gai vẫn hoạt động bình thường và đã đón khách. Hệ thống cửa hàng lưu niệm, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch bị thiệt hại nặng nề, đang khắc phục. Nhiều cơ sở đã sẵn sàng mở cửa trở lại; nhiều quán cafe, ăn đêm hoạt động bình thường.

Về các khu, điểm du lịch, trên địa bàn có 11/12 huyện, thị xã, thành phố có khu điểm được công nhận sẵn sàng đón khách trở lại. Trong đó, 67/87 điểm sẵn sàng đón khách trở lại; 20/87 điểm đang khắc phục sự cố sau bão chưa đón khách. Một số điểm du lịch trọng điểm tại TP Hạ Long: Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch và Hội chợ Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, Khu du lịch Tuần Châu… đang sửa chữa để sớm đón khách. Các Khu du lịch: Móng Cái, Yên Tử, Đông Triều đã kịp thời dọn dẹp, củng cố và đã sẵn sàng đón khách.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác khắc phục mưa bão tại khu vực biển Vân Đồn

Hạ tầng cảng và tàu du lịch, hạ tầng tại Cảng Tuần Châu hư hỏng phần mái; các văn phòng trụ sở làm việc, đón tiếp khách của các doanh nghiệp tại cảng đều bị hư hỏng. Tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long: Bến số 3 bị trôi dạt toàn bộ phần pontong; bến số 2 bị đắm 2 pontong. Đến nay, các đơn vị khắc phục và đảm bảo để đón khách. Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh: có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm (23 tàu du lịch tại cảng Tuần Châu bị đắm, 2 tàu trên vịnh Hạ Long, 2 tàu du lịch bị đắm tại khu vực Ba Lan). Số tàu du lịch tại 2 cảng, bến: 359 tàu. Tổng số tàu sẵn sàng hoạt động: 315 tàu (chiếm 88%), trong đó: tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long: 119 tàu tham quan, nhà hàng, 36 tàu lưu trú; tại Cảng Tuần Châu: 110 tàu tham quan, nhà hàng, 50 tàu lưu trú.

Hầu hết các điểm trên vịnh Hạ Long bị tốc mái, hư hỏng, chìm đắm. Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, 15 nhà bè bảo tồn tại Cửa Vạn bị chìm. Lan can đá cầu bến dẫn lên Động Thiên Cung bị gẫy đổ. Nhiều thiết bị máy móc, biển, bảng nội quy bị gãy hỏng; cây cảnh tại các điểm tham quan bị gãy đổ. Tài sản của người dân, doanh nghiệp trên vịnh tại các điểm dịch vụ (chèo đò, Kayak) của các đơn vị dịch vụ (Ba Hang, Cống Đỏ, Cửa vạn, Hang Luồn, Vung Viêng) thiệt hại nặng. Các hành trình HL1, HL2, HL5 và 2 điểm ngủ đêm: Nhà Lát, Sửng Sốt được kiểm tra, rà quét luồng, sẵn sàng đón khách. Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa cấp lệnh từ sáng 13/9/2024 cho khách tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long theo các hành trình HL1, HL2, HL5 và 2 điểm lưu trú ngủ đêm: Hòn 787 - Nhà Lát, Hang Luồn.

Theo Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhiều khu vực kính nhà ga sân bay, 4 mái nhà trạm, nhà xe, khoảng 500m hàng rào và 600 cây xanh bị hư hại; giá trị ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Hệ thống bảo đảm hoạt động hàng không không bị hư hại nên sân bay hoạt động bình thường.

Hiện, các đơn vị đang khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường trong và ngoài cơ sở kinh doanh; sửa chữa những hư hỏng, ổn định tình hình, thu xếp đón tiếp, phục vụ khách. Từ ngày 8-13/9/2024, có 6.792 khách du lịch quốc tế lưu trú; 1.100 khách du lịch nội địa lưu trú tại Quảng Ninh; tổng số khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long là 8621 lượt khách.Tuy nhiên, công tác tổ chức phục vụ gặp khó khăn do nhiều khu vực chưa có điện, nước; hệ thống viễn thông, việc cung ứng thực phẩm, xăng dầu gặp khó khăn; nhiều tuyến đường, phố và tại các khu điểm du lịch nhiều điểm bị sạt lở, đứt gãy; cây đổ gây ách tắc giao thông. Các doanh nghiệp lữ hành và du khách chờ đợi kế hoạch, thời điểm cấp phép trở lại hoạt động thăm quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long để tổ chức chương trình du lịch cho các đoàn khách đã ở Hạ Long và các đoàn khách tiếp theo.

Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Ngày 13/9, tỉnh Quảng Ninh họp, nghe ý kiến, chỉ đạo khắc phục, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão số 3. Cụ thể, tính đến 13h, ngày 13/9, một số thiệt hại do bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh: 1.609 người bị thương, 78.685 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 27 tàu du lịch, 176 tàu các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản thiệt hại; gần 6.000 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; hơn 260.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 63.000 ha rừng trồng bị ảnh hưởng; mất điện, nước, mạng viễn thông trên diện rộng…

 Du khách trong nước và quốc tế đến TP Hạ Long sau cơn bão số 3

Các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân Quảng Ninh rất tích cực, triển khai các biện pháp khắc phục, hỗ trợ sau bão. Các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn có mặt tại các địa phương để chỉ đạo, tập trung lục lượng, phương tiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, triển khai kịp thời các chính sách cấp bách hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện theo các quy định của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng, điều chỉnh một số chính sách theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ có lợi cho người dân, tổ chức để ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Báo cáo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn chung đến các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3 như các chính sách: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính…

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo là trên cơ sở chính sách hiện có, các chính sách ban hành mới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn tại địa phương, có hiệu quả, độ phủ rộng có nhiều đối tượng thụ hưởng, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực ngân sách của tỉnh, khả năng huy động của các tổ chức; không lợi ích nhóm, không trục lợi chính sách. Các địa phương phải rà soát, thống kê, báo cáo số liệu thiệt hại chính xác về UBND tỉnh, các giải pháp đã thực hiện đến nay để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn chung đến các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3.

Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long sẵn sàng đón tiếp phục vụ khách trong nước và quốc tế 

Ngày 13/9, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đón những đoàn khách đầu tiên trở lại tham quan, trải nghiệm nghề nuôi trai cấy ngọc tại Hạ Long. Siêu bão Yagi đã tàn phá hai cửa hàng và các khu nuôi trồng ngọc trai của công ty. Ước tính có trên 10 đoàn khách tương đương với trên 200 khách tới tham quan, mua sắm tại cửa hàng Mỹ Ngọc của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long tại khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long. Hầu hết các du khách đến từ các nước: Tây Ban Nha, Pháp, Malaysia...

Tỉnh Quảng Ninh khẳng định đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch ngay khi bão qua, là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Quảng Ninh vẫn sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh quyết tâm giữ kịch bản đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024, trong đó có 3,5 triệu lượt khách Quốc tế; doanh thu du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu năm 2024 đạt mức tăng trưởng trên 10%, nối tiếp 10 năm liền tăng trưởng hàng năm đạt 2 con số./.

Ngô Quảng- Đăng Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN