Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Ngãi: Nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng chuyển nặng

Thứ Tư, 26/07/2023 11:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi Quảng Ngãi thu dung và điều trị khoảng 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Số lượng này tuy chưa cao bằng cùng kỳ năm 2022 nhưng lại cao gấp đôi tháng 6/2023.

Khoảng một tháng nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi ghi nhận số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng cao, trong đó có nhiều ca chuyển nặng.

 Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: Hà Phuowng

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi có nhiều ca mắc tay chân miệng đang được điều trị tích cực. Biểu hiện ban đầu của các cháu là sốt, quấy khóc, bỏ ăn, được cha mẹ chăm sóc, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, khi đưa đến Bệnh viện, bệnh nhân đều đã chuyển nặng và có một số biến chứng nguy hiểm.

Bác sỹ Trần Đình Điệp, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho rằng, điều nguy hiểm khi trẻ mắc tay chân miệng là bệnh chuyển biến nhanh. Trước khi trở nặng, trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh chủ quan. Do đó, cha mẹ phải theo dõi sát sức khỏe của con để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.

Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi Quảng Ngãi thu dung và điều trị khoảng 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Số lượng này tuy chưa cao bằng cùng kỳ năm 2022 nhưng lại cao gấp đôi tháng 6/2023. Đặc biệt, số bệnh nhân nặng tăng lên đáng kể, trong đó, có các ca bệnh nặng độ 2B nhóm 1, 2B nhóm 2 và độ 3.

 Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng. Ảnh minh họa: ITN

Theo bác sỹ Đỗ Duy Thanh, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp. Hiện, nhiều địa phương xuất hiện chủng virus EV71 có đặc tính lây lan nhanh, là tác nhân gây bệnh nặng cho trẻ mắc tay chân miệng. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ và diễn ra quanh năm, phần lớn bị ở thể nhẹ. Tuy nhiên, việc nhiều ca bệnh chuyển nặng thời gian gần đây có thể do trẻ nhiễm các thể virus có độc lực cao. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, quấy khóc, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, co giật, bỏ ăn và nôn ói..., cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

 "Trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà. Trường hợp này cha mẹ cần tuân thủ cách ly điều trị để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ khác.  Bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần. Do đó, để phòng ngừa tái mắc, phụ huynh nên vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh; thường xuyên lau rửa bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh" - Bác sỹ Đỗ Duy Thanh khuyến cáo./.

ĐH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN