Quảng Nam: Vẫn bế tắc với nợ thuế của 2 Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn
(ĐCSVN) – Liên quan đến vụ nợ thuế của 2 Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại tỉnh Quảng Nam, đại diện ngành thuế địa phương này cho biết: trong 2 năm qua, 2 Công ty này nợ thuế và bị cưỡng chế hóa đơn nhưng họ sản xuất (lậu) và bán đi đâu, bán cho ai thì tỉnh không rõ.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2016 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào chiều 13/7, nhiều vấn đề liên quan đến nợ thuế, các biện pháp xử lý tới đây đối với 2 Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã được ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam nêu ra. Tuy nhiên, sự vào cuộc giải quyết rốt ráo của tỉnh vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Điều này dẫn đến việc thu hồi nợ thuế của 2 Công ty vàng này đến nay vẫn bế tắc. Thực tế này đang khiến dư luận trong tỉnh hết sức bức xúc.
Hơn 430 tỉ đồng nợ thuế của 2 Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn là khoản tiền không nhỏ với một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Nam. Thế nhưng, đến nay các cơ quan của tỉnh vẫn phải “bó tay”! Vậy vai trò, trách nhiệm của ngành thuế, của Công an, của chính quyền đến đâu? là câu hỏi được nhiều cơ quan báo chí đề cập.
Trước đó, trả lời câu hỏi về số nợ và việc 2 Công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn mặc dù đã bị Chi cục Thuế tỉnh Quảng Nam phong tỏa tài khoản, và UBND tỉnh cũng ra quyết định đóng cửa, đình chỉ hoạt động song 2 Công ty này vẫn hoạt động và không chịu trả nợ thuế? Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam cho biết: Mặc dù tỉnh và Trung ương đã nhiều lần họp bàn để giải quyết nhưng đến nay, số nợ hơn 430 tỉ đồng tiền thuế (bao gồm tiền gốc và lãi phạt) vẫn chưa thu hồi được.
Nói về chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á với số nợ thuế của Công ty vàng Phước Sơn, ông Bốn cho biết, hiện ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang xem xét theo đúng trình tự của pháp luật. “Tỉnh ủng hộ việc Công ty vàng Phước Sơn tái cơ cấu với các điều kiện cụ thể nhưng điều kiện đầu tiên là phải trả nợ thuế theo quy định của pháp luật”. Sở dĩ 2 Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn bị lỗ là do quản lý lỏng lẻo, giá vàng giảm, do sự không minh bạch giữa công ty mẹ và công ty trong nước... Cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân các Công ty này bán vàng ra nước ngoài cho công ty mẹ với giá thấp nhưng nhập nguyên liệu đầu vào khai với giá cao.
Ông Ngô Bốn cũng bày tỏ kỳ vọng: Khi Ngân hàng Việt Á bảo lãnh và tham gia tái cơ cấu, ngành thuế tỉnh sẽ thu được số tiền thuế của Công ty vàng Phước Sơn với số tiền hơn 334 tỉ đồng. Còn đối với số tiền nợ thuế gần 100 tỉ đồng của Công ty vàng Bồng Miêu, hiện doanh nghiệp này đã dừng hoạt động do giấy phép hết hạn. Tuy nhiên, số nợ thuế của Công ty này sẽ khó thu hồi nếu họ tuyên bố phá sản.
Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết: Sau khi tỉnh có quyết định dừng việc khai thác lậu (ngày 16/6), hiện tại ở mỏ vàng Bồng Miêu còn có 64 công nhân đang quản lý, bảo vệ tài sản và khoáng sản. Mới đây, tỉnh cũng đã kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường tại mỏ vàng Bồng Miêu.
Trong khi đó, ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Công ty CP Việt Á tham gia góp vốn 35 tỉ đồng (chiếm 35% cổ phần), Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam góp 15 tỉ đồng (chiếm 15% cổ phần) để tham gia tái cơ cấu Công ty TNHH vàng Phước Sơn./.