Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Nam: Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 24/02/2016 20:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 24/2, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

 

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
 nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tại Quảng Nam.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho biết, 5 năm qua, Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ nhiều nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Đến cuối năm 2015, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới: 19 tiêu chí) là 11,5 tiêu chí/xã (240 xã), tăng 8,89 tiêu chí/xã so với năm 2010.

 

Theo đó, có thể chia theo 5 nhóm kết quả như sau: Nhóm I (đạt 19 tiêu chí) có 53 xã, chiếm 25,89%; trong đó, năm 2014 là 10 xã và năm 2015 là 43 xã (mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 có trên 20% số xã, tương đương 42 xã đạt chuẩn NTM). Nhóm II (từ 15-18 tiêu chí) có 9 xã (chiếm 4,41%). Nhóm III (từ 10-14 tiêu chí) có 47 xã (chiếm 23,04%). Nhóm IV (từ 5-9 tiêu chí) có 89 xã (chiếm 43,63%). Nhóm V (dưới 5 tiêu chí) có 6 xã (chiếm 2,94%). Riêng với các xã đạt dưới 5 tiêu chí, cuối năm 2014 toàn tỉnh có đến 48 xã, tuy nhiên đến cuối năm 2015 đã giảm xuống còn 6 xã (mục tiêu kế hoạch là giảm 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí).

Để công nhận các xã, huyện, thành phố đạt chuẩn Nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia, Quảng Nam đã chỉ đạo và tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp; tiến hành đôn đốc, kiểm tra kết quả đã đạt được tại các địa bàn, đồng thời chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế tại các địa phương, đơn vị chưa đạt được. Trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề nghị cấp trên kiểm tra, công nhận địa phương (xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố) đạt chuẩn NTM.

Đặc biệt, ngày 28/10/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành hồ sơ thẩm tra, gửi Bộ NN&PTNT để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn đạt chuẩn huyện Nông thôn mới năm 2015. Đoàn thẩm định của Trung ương đã tổ chức thẩm định thực tế tại 2 địa phương này vào ngày 13 và 14/1/2016 vừa qua.

Để có kết quả trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động, hình thức nhằm tranh thủ, huy động các nguồn vốn đóng góp, hỗ trợ, đầu tư cho mục tiêu Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Theo đó, trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã huy động được 16.918,954 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 5.233,954 tỷ đồng (chiếm 31%); vốn tín dụng là 10.480.000 tỷ đồng (chiếm 62%); vốn huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã là 278.000 tỷ đồng (chiếm 2%); nhân dân đóng góp (quy ra giá trị) là 927.000 tỷ đồng (chiếm 5%).

Từ đó, bộ mặt nông thôn của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thông ngày càng tăng cao. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn tỉnh Quảng Nam đạt 21,108 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2010 và tỷ lệ hộ nghèo từ 24,2% năm 2010 giảm xuống còn 9% năm 2015 (bình quân giảm 3%/năm); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của 204 xã (toàn tỉnh) đạt  11,5 tiêu chí/xã; số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 6 xã (dưới 5% tổng số xã).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Quảng Nam trong 5 năm qua cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM cũng như kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đã có sự chênh lệch lớn giữa các vùng; có 4 huyện miền núi chưa có xã nào đạt chuẩn NTM là Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Nông Sơn. Công tác thông tin, tuyên truyền; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy cao; một số địa phương còn tư tưởng, biểu hiện sự trông chờ, ỉ lại vào sự đầu tư của cấp trên; bộ mặt nông thôn ở những xã điểm chuyển biến mạnh mẽ nhưng ở các xã còn lại chưa thực sự rõ nét; vệ sinh môi trường, công tác cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn nhà chưa hiệu quả; trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn vẫn còn tiềm ẩn những bất ổn; các xã tập trung cao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; chưa quan tâm lồng ghép nguồn vốn của Chương trình NTM với Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững trong việc thực hiện hỗ trợ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo...

Phát huy kết quả đã đạt được, trong 5 năm tới (2016-2020), Quảng Nam đặt ra mục tiêu có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí, không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2-2,5%/năm. Phấn đấu có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến cuối năm 2020, có 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 1 thị xã và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Giai đoạn 2016- 2020, phấn đấu toàn tỉnh có thêm 59 xã đạt chuẩn NTM; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 53 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 112 xã vào năm 2020….

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung cho 5 năm tới như: Tăng cường chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm cho mục tiêu xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; rà soát, bổ sung quy hoạch NTM đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; chỉ đạo thực hiện đề án NTM, đề án phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân; tập trung phát triển, nâng cao công tác giáo dục, y tế khu vực nông thôn; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường và cảnh quan nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội ở nông thôn; huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả khi đầu tư cho Chương trình….

Tại Hội nghị, đã có 1 tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 12 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 tập thể nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Nam, 38 tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam và 5 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 46 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN