Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh

Thứ Tư, 31/07/2024 20:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kết quả phân tích PAR INDEX, SIPAS của tỉnh, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, rà soát những tồn tại, hạn chế để khẩn trương ban hành kế hoạch khắc phục, cải thiện những chỉ số còn thấp.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn số 5528/UBND-NCKS về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2024.

  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế từ kết quả Chỉ số PAR INDEX, SIPAS  đã được chỉ ra. (Ảnh minh họa: B.L)

Trong 6 tháng đầu năm 2024 các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế ở các lĩnh vực như: Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh vận hành chưa ổn định,…

Ngày 26/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4696/KH-UBND về cải thiện chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Nam năm 2024, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời có các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện điểm số các tiêu chí, tiêu chí thành phần bị mất điểm năm 2023.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế từ kết quả Chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) đã chỉ ra, góp phần nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Căn cứ kết quả phân tích PAR INDEX, SIPAS năm 2023 của tỉnh tại Báo cáo số 97/BC-SNV ngày 09/5/2024 của Sở Nội vụ, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời, rà soát những tồn tại, hạn chế thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của ngành, địa phương để khẩn trương ban hành kế hoạch khắc phục, cải thiện những chỉ số còn thấp.

 Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh chỉ đạo, phân công cụ thể tại Kế hoạch số 4696/KH-UBND ngày 26/6/2024 về cải thiện Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Nam năm 2024 (Ảnh minh họa: M.H)

Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh chỉ đạo, phân công cụ thể tại Kế hoạch số 4696 /KH-UBND ngày 26/6/2024 về cải thiện Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Nam năm 2024; Kế hoạch số 4770/KH-UBND ngày 27/6/2024 cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2024 và những năm tiếp theo.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đồng thời hướng dẫn các sở, ban, ngành trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi, góp phần nâng cao tiêu chí thành phần về sự tác động của cải cách hành chính đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành. Thường xuyên theo dõi, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao hơn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó chú trọng xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu ở trong và ngoài nước đầu tư. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục đa dạng các kênh tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin và có giải pháp hỗ trợ hiệu quả,…/.

 

Minh Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN