Quảng Nam nỗ lực nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công
(ĐCSVN) – Tính đến hết 31/8, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân 2.534,302 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 (không bao gồm các dự án Trung ương quản lý), đạt 40,4% so với kế hoạch vốn từ đầu năm và đạt 34,8% so với kế hoạch vốn bổ sung.
Trước thực trạng vốn đầu tư công giải ngân chưa đạt yêu cầu, UBND tỉnh Quảng Nam vừa triệu tập cuộc họp để nghe các địa phương, đơn vị báo cáo nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục. |
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, trong 2.534,302 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 đã giải ngân, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân 2.397.209 tỷ đồng, đạt 40,9% so với kế hoạch vốn năm 2022 được giao và đạt 34,9% so kế hoạch vốn bổ sung; kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài giải ngân được 33,2%.
Với 2.397.209 tỷ đồng theo kế hoạch giải ngân 2022, đại diện Kho bạc Nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số vốn này, nguồn vốn ngân sách trung ương là 234.736 triệu đồng, đạt 16,7% so với ngân sách trung ương giao đầu năm và đạt 10,2% sau khi bổ sung các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Kho bạc Nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Nam, trong 234.736 triệu đồng nguồn vốn ngân sách trung ương kể trên thì vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực 128.110 triệu đồng. Trong đó, có 07 dự án sử dụng ngân sách trung ương có tỉ lệ giải ngân 0%. Cụ thể gồm các dự án: Đường biên giới nối từ xã Chơ Chun huyện Nam Giang đến xã Ga Ri và xã Axan, huyện Tây Giang (giai đoạn 2); bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; nâng cấp, mở rộng Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng: mở rộng khu neo đậu tàu thuyền và kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều; chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải; liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (vốn đối ứng ngân sách trung ương); nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam (vốn đối ứng ngân sách trung ương và vốn ODA).
Đồng thời, có 10 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 20%, gồm các dự án: Đường trục chính; tái định cư khu công nghiệp Tam Quang (17%); đường giao thông kết nối các tiểu vùng sản xuất nguyên liệu nông- lâm nghiệp với các khu, cụm công nghiệp Quế Sơn (13,6%); hỗ trợ đầu tư xây dựng đường ô tô lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam (16,1%); cầu Giao Thuỷ (13,1%); điểm định canh định cư tập trung thôn Dốc Kiền, xã Ba (6,3%); đường trục chính vào khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng (2,6%); nâng cấp Bệnh viện Nhi thành Bệnh viện Sản Nhi (2%); hoàn thiện đường ven biển 129- đường Võ Chí Công (1,7%); khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở ở xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Hương An (1,1%); điểm định canh định cư tập trung thôn 3 xã Trà Leng (1%)).
Bên cạnh vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực kể trên là vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ này đều có tỉ lệ giải ngân 0%. Trong khi đó, vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát có tỉ lệ giải ngân 18,9% (tương đương 106.626 triệu đồng).
Đối với nguồn ngân sách địa phương, theo Kho bạc Nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Nam, nguồn vốn này đã giải ngân được 2.162.473 triệu đồng, đạt 48,5%. Trong đó, vốn trong nước là 2.033.131 triệu đồng, đạt 53,3%; vốn nước ngoài tỉnh vay lại là 129.342 triệu đồng, đạt 20,2%.
Nói về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt thấp hơn so với kết quả giải ngân cùng kì năm 2021 và chưa đạt yêu cầu theo quyết định của UBND tỉnh về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022, từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo quy định để bổ sung cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung. |
Về nguyên nhân kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thì bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, về khách quan là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép, xăng dầu và việc thiếu các mỏ đất, mỏ đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Quảng Nam thuộc vùng Nam Trung bộ, mùa mưa thường xảy ra vào tháng 9 hằng năm (riêng với miền núi là tháng 6 hằng năm) do đó công tác thi công các dự án, công trình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh; đồng thời, đặc điểm lịch sử quản lý đất đai tỉnh Quảng Nam dẫn đến xác nhận nguồn gốc đất và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về chủ quan, theo đồng chí Nguyễn Hồng Quang: Trong 8 tháng đầu năm 2022, các đơn vị và địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang 2022 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng. Cạnh đó, nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ 900.558 triệu đồng thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia vào ngày 28/5/2022 tại Quyết định 653/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã làm cho tỷ lệ giải ngân của tỉnh 8 tháng đầu năm thay đổi từ 40,4% so với kế hoạch vốn từ đầu năm còn 34,8% so với kế hoạch vốn sau khi bổ sung.
Trong khi đó, công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát; công tác chuẩn bị thủ tục các dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư chưa được tập trung giải quyết; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực…
Cạnh đó, các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý hiện trạng, thoả thuận áp giá đều bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Các dự án khởi công mới chậm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, thương thảo hợp đồng.
Với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ giải ngân đạt 19,6% do gặp vướng mắc trong thủ tục dự án, thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án và đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện. Một số dự án có tỉ lệ giải ngân 0% như: Xây dựng cơ sở ha tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số - CRIEM (197.240 triệu đồng); liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (157.219 triệu đồng); cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ (50.000 triệu đồng).
Các địa phương chưa thật sự tập trung quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, số liệu báo cáo của 18 huyện, thị xã, thành phố, đến hết tháng 8/2022 có 03 địa phương giải ngân dưới 40% gồm: Bắc Trà My, Hội An, Núi Thành; có 08 địa phương giải ngân trên 40% nhưng dưới 50% gồm: Tây Giang, Duy Xuyên, Nông Sơn, Phú Ninh, Tam Kỳ, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nam Giang.
Việc tổng hợp doanh mục các dự án thuộc 07 trường hợp bất khả kháng được kéo dài kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 đề nghị kéo dài sang năm 2022 theo quy định tại Điều 48 Nghị định 40/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ tốn nhiều thời gian và phải điều chỉnh trình lại HĐND thống nhất cho phép kéo dài.
Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Nam đang triển khai thực hiện. |
Về dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023, khoảng 7.949 tỷ đồng, bằng 118% so kế hoạch 2022. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.010 tỷ đồng, bằng 112% so kế hoạch vốn 2022 và nguồn vốn ngân sách trung ương 2.939 tỷ đồng, bằng 128% so với kế hoạch 2022.
Để đảm bảo yêu cầu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động rà soát báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022, từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo quy định để bổ sung cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung. Chậm nhất đến 30/9/2022 phải giải ngân đạt 60% vốn đầu tư công năm 2022./.