Quảng Nam: Nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh
(ĐCSVN) – Theo Quyết định 611/QĐ-TTg, ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam là 1 trong 3 địa phương của cả nước phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa. Đây chính là cơ sở để Quảng Nam tập trung phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh trong thời gian tới.
Hạt từ hoa sâm Ngọc Linh dùng để nhân giống sâm Ngọc Linh tại các trung tâm ươm giống tại Quảng Nam. |
Với lợi thế sở hữu một phần dãy Ngọc Linh với độ cao và điều kiện đảm bảo để cây sâm Ngọc Linh phát triển nên những năm qua, Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nguồn giống của loài dược liệu quý giá này.
Về thực trạng phát triển giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cây giống sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi sản xuất năm 2023 tại tỉnh được khoảng 109.000 cây giống.
Theo chủ trương của UBND tỉnh tại Thông báo số 219/TB-UBND ngày 27/7/2023 về việc Thông báo kết luận cuộc họp giao ban ngày 24/7/2023 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 5003/UBND-KTN ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc cung ứng cây sâm Ngọc Linh cho nhân dân và doanh nghiệp, thời gian qua Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu tỉnh đã thực hiện một số nhiệm vụ nhằm phát triển giống Sâm Ngọc Linh từng bước đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trong đó, Trung tâm đã cung ứng cho huyện Nam Trà My để hỗ trợ cho nhân dân theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 21/4/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 với số lượng 73.000 cây cây giống; đã tổ chức bán đấu giá cho doanh nghiệp 14.000 cây đúng quy định.
Trong khi đó, Trung tâm cũng thực hiện việc lưu vườn để trồng phát triển mở rộng diện tích vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh giống gốc tại Trạm Dược liệu Trà Linh với số lượng 22.000 cây.
Theo Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, năm 2023, cùng với ngành nông nghiệp và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Trung tâm đã rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao và vượt kế hoạch do cấp trên giao; nhất là công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống gốc; chăm sóc, nuôi trồng, quản lý bảo vệ, mở rộng vườn Sâm hiện có tại Trại Dược liệu Trà Linh, đảm bảo phát triển nhanh về số lượng, chất lượng cây Sâm Ngọc Linh để phục vụ sản xuất cho người dân và cung ứng các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu; từng bước tạo vùng nguyên liệu ổn định cho việc chế biến sâu các sản phẩm đặc hữu có giá trị cao.
Đặc biệt, trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh Quảng Nam và các Bộ, ngành có liên quan, nhất là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đến nay, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn Sâm giống gốc nhiều năm tuổi theo mô phỏng tự nhiên... cây sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Cây giống sâm Ngọc Linh tại các vườn sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My (Quảng Nam). |
Để góp phần cùng tỉnh và ngành chức năng thực hiện thành công Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu Quốc gia tại Quảng Nam, trong đó lấy Sâm Ngọc Linh làm chủ lực, đến nay, Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã cùng ngành NN&PTNT và các ngành chức năng có liên quan, nhân dân địa phương nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh cũng như các loại cây dược liệu quý hiện có tại địa phương. Cùng với đó, không ngừng nâng cao giá trị cả về mặt kinh tế và về mặt y học của cây sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu trên địa bàn, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực trung du và miền núi của tỉnh, nhất là miền núi cao, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình Miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình xây dựng Nông thôn mới; cũng như Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến 2023 và định hướng đến năm 2045…. Qua các Chương trình này, đã góp phần sản xuất thúc đẩy phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực miền núi của tỉnh.
Trong thời gian tới, với năng lực sản xuất và cung ứng cây giống của Trung tâm, đồng thời để đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp theo chủ trương được phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2023, định hướng đến năm 2045, theo đề xuất của Trung tâm công nghiệp dược liệu Quốc gia tại Quảng Nam thì các cấp có thẩm quyền cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nâng cấp hệ thống vườn ươm cây giống hiện có cũng như đầu tư cơ sở 2 để sản xuất giống dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh là chủ lực để đảm bảo phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các hạng mục liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc giúp vườn sâm giống gốc sinh trưởng phát triển tốt cả 02 vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (01 là tại Trạm Dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu; 02 là Trại Sâm Tắc Ngo thuộc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My).
Cùng với đó, Quảng Nam và huyện Nam Trà My cần quan tâm đầu tư, tiếp tục chọn những vườn giống hiện có trong dân và doanh nghiệp để hỗ trợ cùng tham gia chọn tạo cây đầu dòng để hình thành những vườn giống có chất lượng để sản xuất và cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh phục vụ sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn gắng với chế biến sâu các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để nâng gia tăng giá trị, nhằm giải quyết nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Cùng với sản xuất, cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đủ mạnh đầu tư phát triển bền vững sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) về quy mô diện tích và định hướng vùng trồng; với phương châm hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường; phát triển theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa không những thị trường trong nước mà hướng đến thị trường nước ngoài.
Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My có cơ chế, chính sách ưu tiên hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng Sâm Ngọc Linh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cầu nối giữa liên kết với các doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có chất lượng. Hộ/nhóm hộ liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác cần hướng đến truy xuất nguồn gốc, vùng trồng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Quảng Nam./.