Quảng Nam: Ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngân hàng thờ ơ ?
(ĐCSVN) – Mặc dù đã được UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định đưa vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, đồng thời cũng đã được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh chấp thuận đóng mới tàu cá vỏ thép, song hồ sơ xin vay tiền đóng tàu của ngư dân đã và đang bị ngân hàng từ chối.
Thất nghiệp vì bán tàu để đối ứng vốn vay
Đang là mùa cá nam (thời điểm mà ngư dân Quảng Nam luôn “hái ra tiền” vì trời yên, biển lặng, thuận lợi để ra khơi đánh bắt), thế mà nhiều ngư dân của huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) lại đi làm cái việc chưa từng có: Bán tàu...
“Tàu bán rồi chẳng biết làm gì nên thất nghiệp, đã thất nghiệp thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi khó một thì các thuyền viên (lao động theo tàu) đã cam kết trung thành với chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 càng khó mười” - ông Nguyễn Văn Cứ (57 tuổi), trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) bức xúc cho biết.
Ông chia sẻ thêm: “Để có tiền làm vốn đối ứng với ngân hàng (một điều kiện bắt buộc khi vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67), ngay sau khi được UBND tỉnh đồng ý quyết định đưa vào danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, vào tháng 9/2015, tôi đã chấp nhận bán đi chiếc tàu vỏ gỗ (trị giá của nó là 1,8 tỷ đồng) với giá bán chỉ 1 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi bán tàu rồi, vào tháng 11/2015, tôi đến Chi nhánh Ngân hàng BIDV Quảng Nam để nộp hồ sơ xin vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tuy nhiên, chờ mãi cho đến nay, tôi vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía ngân hàng là được hay không được vay”- ngư dân Nguyễn Văn Cứ cho biết.
Ngư dân Nguyễn Văn Cứ và ngư dân Trần Văn Thanh bức xúc cho chúng tôi xem
các văn bản, thủ tục mà UBND tỉnh Quảng Nam, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản đồng ý,
chấp thuận họ đủ điều kiện để đóng tàu theo Nghị định 67, nhưng Ngân hàng vẫn không cho họ vay tiền để đóng tàu.
Tương tự trường hợp của ông Cứ, ở xã Bình Minh còn có các ngư dân: Trần Công Mậu (thôn Tân An) bán tàu tháng 9/2015 với số tiền 550 triệu đồng; Trần Văn Thanh (thôn Tân An) bán tàu từ tháng 8/2015 với số tiền 800 triệu đồng; Trần Công Phu (thôn Tân An) bán tàu từ tháng 10/2015 với số tiền hơn 700 triệu đồng.
“Cùng với anh Cứ, chúng tôi cũng đã đến chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thăng Bình, sau 22 ngày xét duyệt hồ sơ xin vay, chúng tôi bị Ngân hàng này từ chối với lý do không đủ điều kiện để vay, nhưng hỏi lại điều kiện cụ thể là gì thị họ không giải thích. Sau đó, chúng tôi rút hồ sơ này và đến Chi nhánh của BIDV Quảng Nam để nộp hồ sơ xin vay. Đã gần 10 tháng qua chúng tôi cũng hoàn toàn không nhận được hồi âm nào của BIDV Quảng Nam là có được vay hay không” - ngư dân Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh) cho biết.
Không chỉ ở xã Bình Minh, tại xã Bình Dương cũng có 04 ngư dân và xã Bình Nam có 02 ngư dân cùng cảnh ngộ, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, đưa vào danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Các ngư dân này đã bán tàu vỏ gỗ để lấy tiền làm vốn đối ứng cho ngân hàng khi vay vốn đóng tàu mới vỏ thép, nhưng cuối cùng vẫn bị ngân hàng từ chối hoặc thờ ơ, không trả lời...
“Dù được hay không được, lẽ ra ngân hàng phải trả lời để chúng tôi biết mà tính chứ; đằng này họ cứ yên lặng mãi nhiều tháng nay trong khi chúng tôi đã bán tàu - phương tiện sản xuất duy nhất không còn nữa buộc chúng tôi phải thất nghiệp. Nhưng khổ nhất vẫn là bạn theo tàu (lao động của chúng tôi), họ đã cam kết sẽ không bỏ chúng tôi để theo chủ tàu khác giờ cũng thất nghiệp, không có thu nhập. Nhiều người con cái không có tiền để ăn học”- ngư dân Phạm Văn Tuấn (thôn 6, xã Bình Dương) bức xúc cho biết.
"Địa phương đã hết mình, nhưng ngân hàng vẫn không chịu giúp dân"
Đó là khẳng định của ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên.
“Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ (và kể cả Nghị định 89 bổ sung) có hiệu lực đến nay, tại xã Bình Minh có 11 dự án đóng tàu theo Nghị định này được triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu 2016 này, mới chỉ có 4 dự án được các ngân hàng giải ngân (trong đó có 3 tàu vỏ thép đã hoàn thành và 1 tàu vỏ gỗ đang được đóng mới); còn lại 7 hồ sơ vay vốn ngân hàng để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 chỉ mới tiếp cận với ngân hàng chứ chưa được giải ngân. Sốt ruột vì chờ ngân hàng giải ngân, ngư dân đã nhiều lần đến UBND xã để phản ánh và UBND xã đã tiếp thu ý kiến của ngư dân; đồng thời đã trực tiếp làm việc với chính quyền huyện và tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp, Ban Chỉ đạo 67 của huyện và tỉnh. Chúng tôi với chức năng của chính quyền cơ sở đã nỗ lực hết khả năng, quyền hạn của mình để chuyển tải phản ánh của ngư dân cũng như nhiều lần kiến nghị, đề xuất với cấp trên để can thiệp ngân hàng giải ngân vốn cho ngư dân đóng mới tàu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi cũng không biết lý do vì sao ngân hàng không giải ngân?” - ông Trương Công Bảy cho biết.
Trong khi đó, sau 2 tuần nỗ lực liên hệ qua điện thoại để xin được gặp lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam, sáng 6/6, ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng này đã trả lời qua điện thoại với chúng tôi là "không có thời gian vì lãnh đạo ngân hàng rất bận"(?!).
Tuy nhiên, ông Diện cũng khẳng định, ngư dân vì cứ "bám" vào 2 ngân hàng là Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng đây là hai ngân hàng phải thực hiện chức năng hỗ trợ ngư dân là hoàn toàn không đúng, trong khi họ lại không liên hệ với các ngân hàng khác để nộp hồ sơ xin vay. “Tôi cũng nói thật, hiện nay các ngân hàng phải tự huy động các nguồn vốn của mình, không ai buộc họ phải làm theo ý mình. Việc họ có cho hay không cho ngư dân vay là quyền của họ” - ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam khẳng định với chúng tôi.
Đây là số ít các con tàu vỏ thép trong danh sách 22 ngư dân được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định
đưa vào danh sách đủ điều kiện để đóng tàu theo Nghị định 67 và được các ngân hàng giải ngân cho vay.
Nếu nói như ông Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Nam thì không biết vai trò điều phối của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ là ở đâu?. Ngư dân chẳng lẽ cứ phải phụ thuộc vào ý chí của ngân hàng và nếu họ không cho vay thì phải chịu cảnh thất nghiệp mặc dù đã bán tàu, đã được tỉnh đồng ý đưa vào danh sách ngư dân đủ điều điều kiện để đóng tàu theo Nghị định 67?
Cũng cần lưu ý thêm, hầu hết các ngư dân đã được phê duyệt đóng tàu vỏ thép đều không có trong danh sách đã từng nợ xấu ngân hàng. Thế thì lý do vì sao mà đến nay các ngân hàng cứ từ chối, thờ ơ trước nhu cầu hết sức bức thiết của ngư dân là được đóng mới con tàu vỏ thép to và mạnh hơn, đủ sức vươn khơi bám biển, góp phần làm giàu cho gia đình, xã hội, đặc biệt hơn là có mặt ở các ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu hỏi này mong rằng sẽ sớm nhận được phản hồi từ các ngân hàng cũng như các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam./.